Hà Nội giờ đây không nên chỉ
khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam.
Hà Nội tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của vực Đông Nam Á và
Đông Á. Thủ tướng gợi mở cho Hà Nội gây dựng trụ cột quan trọng nhất là “nhân
hòa”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát
triển” với sự tham dự của khoảng 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và
nước ngoài tổ chức sáng 27/6 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Phát
biểu tại Hội nghị, các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá cao
thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, đưa đất nước “trở
thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với du lịch và đầu tư” như ý kiến của đại diện
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Các doanh nghiệp châu Âu
đã và đang tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với Hà Nội, hy vọng thành phố Thủ đô
của Việt Nam tiếp tục có nhiều bước tiến mới trong cải cách hành chính, cung
cấp thông tin trực tuyến cho các nhà đầu tư để họ có thể đưa ra quyết định của
mình.
Ông Hang Ha Ryu, Giám đốc
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng cả thế giới bị
ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Vì thế, được sống và làm việc tại Việt Nam,
ông cảm nhận rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp do dịch bệnh này, đặc biệt là
hàng không, du lịch.
“Một
cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – ông Hang Ha Ryu dẫn
câu tục ngữ của người Việt để nói lên sự cần thiết đoàn kết, chung tay vượt qua
khó khăn hiện nay. “Hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý
nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam nên sớm cấp visa và mở đường bay quốc
tế trở lại bình thường”, ông Hang Ha Ryu đề nghị. Ông Hang Ha Ryu cho biết Hàn
Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi kỹ thuật số để Việt Nam trở thành
xã hội kỹ thuật số, đồng thời khẳng định doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chung
tay, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội.
Chủ tịch Phòng Thương mại
Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Virginia B. Foote thì bày tỏ “với sự nỗ lực của
Thành phố cùng xu hướng tăng cường hợp tác ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ hai
nước Việt Nam, Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được mạnh mẽ các nguồn lực
đầu tư và phát triển”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho
rằng với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu
tư mới này. Tính tiên phong của lãnh đạo Thành phố Hà Nội luôn ở TOP dẫn đầu
nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao.
Vì vậy, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận,
huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, ông Vũ Tiến Lộc hiến
kế.
Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với
các địa phương khác trong nước
Phát biểu tại Hội nghị,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện
xúc tiến đầu tư quy mô lớn, “diễn ra trong 4 tiếng nhưng chuẩn bị mất hơn 4
tháng”. Đây là lần thứ 4 trong 4 năm liền, Thủ tướng cùng Hà Nội xúc tiến đầu
tư, xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra.
Thủ
tướng chia sẻ niềm vui với Hà Nội về thành công của Hội nghị với với 229 dự án
được trao giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư đến 405.000 tỷ đồng (tương
đương 17,6 tỷ USD). Hội nghị còn có ý nghĩa đặt biệt khi đất nước kiểm soát
được dịch COVID-19 trong cộng đồng và chuyển sang trạng thái bình thường mới,
hướng tới thực hiện “mục tiêu kép”.
Hội
nghị đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm chân thành hợp tác
được đề cao, theo đó hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước
trong một tầm nhìn dài hạn. Theo Thủ tướng, đây là thông điệp quan trọng về thu
hút đầu tư của Việt Nam.
Cho
rằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu, đã cũ, theo Thủ tướng, Hà
Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi
thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ
bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân
và doanh nghiệp.
Thủ
tướng nêu rõ với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn
với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, bởi theo
dòng lịch sử của Việt Nam hơn 1.000 năm, kể từ năm 1010 khi Vua Lý Thái Tổ dời
đô về Thăng Long, vùng đất Hà Nội vốn đã là kinh đô, trung tâm chính trị, kinh
tế, văn hóa của nước Đại Việt qua các triều Lý, Trần, Hậu Lê.
Ở thời đại Hồ Chí Minh,
Hà Nội cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một
trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045,
khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong
những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường
của dân tộc ta và như tinh thần của “Chiếu dời đô” cách đây tròn 1.010 năm.
Vì
vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác
trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Vậy câu
hỏi đặt ra là làm sao để Hà Nội hiện thực hóa được tầm nhìn đó. Theo Thủ tướng,
câu trả lời trước hết là Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa
lợi, nhân hòa” trong phát triển.
Bàn về yếu tố “thiên
thời”, Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ
các cơ chế đặc thù mà Hà Nội đang có như Luật Thủ đô, Nghị định của Chính phủ,
đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội. Chính quyền Hà Nội, cộng đồng
doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế hãy nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ chế,
chính sách đặc thù này như yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội.
Thứ
hai, Hà Nội phải tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt
Nam, hẹp hơn là Vùng Thủ đô. Theo đó, Hà Nội phải hợp tác liên kết vùng và xem
các địa phương là đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh.
hứ ba, Hà Nội phải có
được “cổ đông chiến lược” cùng đồng hành với chiến lược của mình. Đó là chính
là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt các giới khoa học,
công nghệ. Vì vậy, Hội nghị hôm nay là cơ hội để Hà Nội tìm “cổ đông chiến
lược” cho mình, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp đặt niềm tin vào gây
dựng sự nghiệp ở vùng đất rồng bay này. Đây có thể nói là yếu tố “nhân hòa”.
Nói
thêm về “nhân hòa”, Thủ tướng cho rằng năm 2019, chúng ta kỷ niệm 20 năm Hà Nội
được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đó chính là nhân hòa,
là những giá trị của niềm tin yêu, hy vọng vì Hà Nội trong lòng nhân dân, bạn
bè trong nước và quốc tế. Một lần nữa ứng xử của Hà Nội, tinh thần của Hà Nội
trong thử thách đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy nếu 20 năm trước, chúng ta
là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nhận danh hiệu
cao quý của UNESCO thì giờ đây, sau hơn 20 năm, chúng ta tiếp tục xứng đáng với
điều đó hơn bao giờ hết. “Có thể nói, nhân hòa là yếu tố then chốt nhất với Hà
Nội”.
Để
có được nhân hòa, Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần xây dựng 3 trụ cột quan trọng.
Một là kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh, khẳng định được qua sức mạnh kinh
tế, quy mô, cấu trúc kinh tế mạnh, môi trường kinh doanh hiệu quả, chất lượng
thể chế và năng lực quản trị nhà nước thích ứng, tính hiệu lực, hiệu quả của
thể chế, chất lượng vốn con người và sự phát triển của hệ thống tài chính.
Hai
là hun đúc bản sắc, là thành phố đáng sống. Đó là nền văn hóa trải nghiệm, môi
trường tự nhiên tốt, hệ thống giáo dục tiên tiến, hệ thống chăm sóc y tế, phúc
lợi xã hội tuyệt vời, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại. Bản sắc của
Hà Nội là phải bật ra được hình ảnh về Hà Nội trong trí nhớ và trái tim của mọi
người, để “Dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.
Trụ
cột thứ 3 là Hà Nội cần nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, đổi mới sáng tạo và
khởi nghiệp, được khẳng định qua môi trường khuyến khích các ý tưởng mới, các
hoạt động đổi mới sáng tạo, số lượng phát minh sáng chế, hun đúc tinh thần khởi
nghiệp hấp dẫn và thực sự Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng này.
Các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị.
Để xây dựng 3 trụ cột
trên, Thủ tướng cho rằng cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo với 5 chữ “tinh”: Tinh
thông trong công việc, tinh nhuệ trong hành động, tinh gọn về bộ máy, tinh túy
về chất lượng cán bộ và tinh ý (tức là hiểu được người dân, doanh nghiệp đang
cần gì).
“Tôi
cũng mong muốn Hà Nội hành động, thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp
tác đầu tư và phát triển”; không để đây chỉ là khẩu hiệu suông. Hợp tác ở đây
không chỉ là với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là hợp tác với các
địa phương trong Vùng Thủ đô, với cả nước và quốc tế để phát triển”, Thủ tướng
nói. Thành công của Hà Nội cũng chính là thành công chung cho tất cả các địa
phương, Vùng Thủ đô cũng như cả nước và ngược lại, “Hà Nội vì cả nước, cả nước
vì Hà Nội”.
Thủ tướng nhấn mạnh nhân
hòa là yếu tố then chốt nhất với Hà Nội. Các bộ, ngành của Trung ương phải tạo
điều kiện cho Hà Nội. Chính phủ luôn bên cạnh Hà Nội, cùng Hà Nội tháo gỡ khó
khăn nhanh hơn, thuận lợi hơn. Chính phủ tiếp tục mở cửa ngay sau khi COVID-19
được kiểm soát ở các nước.
Nhắc
lại ý kiến của một đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nhất trí rằng “chúng ta đang
làm tổ cho đại bàng nhưng cũng phải đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và
phát triển tốt” ở Thủ đô. Ý nói hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt
doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thủ đô cũng phải được phát triển tốt ở Hà Nội.
Thu
nhập bình quân đầu người Hà Nội hiện đạt gần 5.500 USD và nếu duy trì được tăng
trưởng bình quân 9 %/năm thì chỉ trong vòng 10 năm tới, đến năm 2030, Hà Nội sẽ
chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Mục tiêu tối thiểu Hà Nội cần đặt ra
là phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu 2045 của cả nước ít
nhất 10 năm, thậm chí 15 năm.
Đây
là đầu bài Thủ tướng đặt ra với Hà Nội trước khi kết thúc bài phát biểu tại Hội
nghị: “Hà Nội tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của vực Đông Nam
Á và Đông Á”.
Tại
Hội nghị, Thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng
số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD), trong đó có dự án của
Sumitomo, Aeon Mall…
Thành
phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến
khoảng 28,6 tỷ USD, với nhiều dự án quy mô lớn, trong đó, Tập đoàn FLC và Hà
Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đối với 3 dự án trọng điểm trong lĩnh
vực bất động sản, với quy mô tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.
Hãng
hàng không Bamboo Airways ký biên bản ghi nhớ đồng hành với Hà Nội trong việc
tổ chức các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, góp phần nhanh chóng hồi
phục ngành du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19.
Khải Hoàn
Chặng đua F1 Hà Nội - Việt Nam Grand Prix 2020 đưa Việt Nam trở thành một trong 22 địa điểm tổ chức giải đua F1 trên thế giới đường đua này sẽ trở thành “cú huých”, góp phần quảng bá hình ảnh nước ta ra thế giới, thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố
Trả lờiXóaVới sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở, sự nỗ lực của nhân dân và cộng đồng, kinh tế - xã hội Thủ đô của chúng ta giờ mới phát tiển vậy đó
Trả lờiXóaHà Nội- với vị thế là thủ đô của Việt Nam đang ngày càng thể hiện được sức mạnh, tiềm năng phát triển của mình. Cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhất định thủ đô sẽ ngày một phát triển, toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội
Trả lờiXóaHà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Hà Nội tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của vực Đông Nam Á và Đông Á
Trả lờiXóa