Với 100% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết đã nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thế nhưng trên một số diễn đàn vẫn còn có những tiếng nói lạc lõng cho rằng “việc lấy ý kiến nhân dân chỉ là hình thức” và “Đảng Cộng sản Việt Nam đã độc đoán sửa đổi Hiến pháp”…
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Theo kế hoạch ban đầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, dự kiến thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hai tháng (tháng 3 và tháng 4 năm 2013). Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu và nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, để có đủ thời gian triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm để việc lấy ý kiến nhân dân thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề nghị Quốc hội và được Quốc hội nhất trí cao cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2 tháng 1 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thảo luận, thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn, phương châm và phương pháp tiến hành; xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Thông báo của Hội nghị khẳng định: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”.
Như vậy, cả Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Thực tế trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Các ý kiến tâm huyết của nhân dân đều được Ban soạn thảo tiếp thu, đưa vào dự thảo.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 được kế thừa kinh nghiệm xây dựng các bản Hiến pháp trước đây, trong đó có kinh nghiệm quan trọng nhất là phải phát huy đầy đủ và sâu sắc dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho rằng: “Để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, Ủy ban đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.
Thực tế đã rõ ràng như vậy mà vẫn còn có ý kiến lạc lõng trên một số diễn đàn cho rằng, “việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm thay công việc của Quốc hội”…
Ai cũng biết rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một việc làm bình thường, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Thực tiễn cho thấy, nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp góp phần đưa đất nước tiến lên theo đúng mục tiêu đặt ra là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của nhân dân.
Việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp là công việc nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và biên giới quốc gia của các nước, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đồng thời góp phần xây dựng và bảo vệ nền hòa bình của khu vực và thế giới.
Nhân dân Việt Nam hiểu và tôn trọng những thành quả mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân đã giành được từ trong khổ đau lầm than và nô lệ. Chúng ta quyết không chấp nhận những kẻ cố tình quay lưng lại với con đường cách mạng Việt Nam, cố tình xuyên tạc, nói xấu và đi ngược lại lợi ích của dân tộc và của nhân dân Việt Nam trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị để việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp mới không bị lợi dụng, xuyên tạc, cần có quy định cấm về hành vi xuyên tạc, bôi xấu trong việc lấy ý kiến. Mọi ý kiến của nhân dân phải được tiếp thu tối đa, chỗ nào tiếp thu cần nói rõ, chỗ nào không tiếp thu cũng cần giải thích rõ để nhân dân hiểu.
ĐỖ PHÚ THỌ
(Báo Điện Tử Quân Đội Nhân Dân)
Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và biên giới quốc gia của các nước, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đồng thời góp phần xây dựng và bảo vệ nền hòa bình của khu vực và thế giới.
Trả lờiXóaDạo này đang rộ lên vụ này đây mà. Cái chính là làm công khai minh bạch và tránh sự tuyền truyền điều không đúng, gây ảnh hưởng đến Đảng ta
Trả lờiXóaMình thấy người dân mình vẫn con thờ ơ việc góp ý xây dựng Hiến Pháp lắm. Cho rằng đó chỉ là việc của mấy ông to thôi
Trả lờiXóaViệc xây dựng Hiến Pháp của nhà nước ta cần phải có sự tỉnh táo, nếu không sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng
Trả lờiXóaXây dựng Hiến Pháp là việc làm bình thường của mỗi nhà nước. Trong khi đó Đảng lãnh đạo Nhà Nước, dựa trên những đóng góp đúng đắn của người dân để xây dựng một bản Hiến Pháp hoàn chỉnh
Trả lờiXóaHiến Pháp là đạo luật cao nhất của một nước. Mọi văn bản pháp luật đều phải dựa trên Hiến Pháp, chính vì vậy việc sửa đổi bổ sung Hiến Pháp cần có đóng góp, góp ý của nhiều tầng lớp, nhiều thành phần trong xã hội mới thực sự là nhà nước của dân, do dân vì dân
Trả lờiXóaBằng sức mạnh đoàn kết, bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đặc biệt là dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã vượt qua bao thác ghềnh, thử thách và giành được những thắng lợi vẻ vang.
Trả lờiXóa