Luật An ninh Mạng của Việt Nam sẽ có
hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Vì vậy, trong tuần qua, hai tổ chức Human Rights
Watch và Hate Change đã có một số hoạt động để tuyên truyền rằng Nhà nước Việt
Nam đang vi phạm nhân quyền khi ban hành Luật An ninh Mạng.
Cụ thể, Human Rights Watch tiếp tục
kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu về EVFTA cho đến khi Việt Nam có tiến bộ về mặt nhân
quyền.
Trong khi đó, nhóm Hate Change vẽ
tranh tuyên truyền để phản đối Luật An ninh Mạng, đồng thời tuyên bố rằng đúng
vào ngày 01/01/2019 tới đây, họ sẽ công bố một cuốn sách mới, dày 90 trang,
mang tên "Luật An ninh mạng: Những điều cần biết". Ngoài ra, Hate
Change cũng cho biết họ sẽ xuất bản cuốn "Cẩm nang Tham chính" vào
ngày 31/01/2019, và hiện đang soạn cuốn "Cẩm nang Bảo mật trên Không gian
Mạng". Họ sẽ đăng miễn phí bản mềm của cả 3 cuốn sách này để độc giả dễ
tiếp cận. Họ cũng kêu gọi "các chuyên gia về công nghệ thông tin, bảo mật
máy tính, và an toàn không gian mạng" liên lạc với Nguyễn Vi Yên, để giúp
Hate Change soạn cuốn sách cuối. Ngoài ra, thành viên Ngọc Diệp của nhóm này
cho biết trong năm 2019, Hate Change sẽ tham gia soạn một báo cáo về quyền tự do
trên Internet ở Việt Nam.
Về mặt lập luận, cả Human Rights
Watch lẫn Hate Change đều so sánh, để khẳng định rằng Luật An ninh Mạng của
Việt Nam không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm công ước
ICCPR. Qua đó, họ khẳng định rằng luật này sẽ vi phạm quyền riêng tư, quyền tự
do ngôn luận, quyền sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet của dân chúng.
Bên cạnh đó, cuốn sách sắp ra mắt của
Hate Change cũng công kích Luật An ninh Mạng của Việt Nam bằng 2 thông điệp
khác. Thứ nhất, họ so sánh luật này với luật tương ứng của các nước khác trên
thế giới, trên các vấn đề như mục đích của luật, giới hạn của luật để bảo vệ
các quyền cá nhân..., để khẳng định rằng nó khác xa luật tương ứng của phương
Tây, nhưng lại giống luật Trung Quốc. Thứ hai, họ khẳng định rằng Luật An ninh
Mạng sẽ ảnh hưởng nặng đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng, qua đó
ảnh hưởng đến nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam.
Trong ba thông điệp vừa nêu, chúng
tôi xin miễn bàn về việc Luật An ninh Mạng có phù hợp với công ước ICCPR hay
không, và có gây hại cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng hay không.
Nhà nước Việt Nam sẽ trả lời hai câu hỏi đó với Liên Hợp Quốc và với các doanh
nghiệp, thông qua các cơ chế kiểm điểm nhân quyền và đối thoại xã hội. Ở đây,
chỉ xin nói rằng chúng tôi không đồng ý với cách nghiên cứu của nhóm Hate
Change, theo đó họ dùng luật an ninh mạng của Mỹ và Châu Âu làm chuẩn mực để
đánh giá luật Việt Nam. Đây là cách làm phản khoa học, vì luật pháp của mỗi
nước đều được xây dựng dựa trên điều kiện văn hóa, xã hội và nhu cầu mà nước đó
đặt ra, thay vì dựa trên luật của nước khác.
Hãy lấy Malaysia, một nước đa đảng
trong khu vực Đông Nam Á làm ví dụ. Chính quyền Malaysia kiểm duyệt báo chí rất
nghiêm ngặt, để buộc báo chí tránh những ảnh hưởng quá đà từ văn hóa phương Tây
và bảo vệ các giá trị Hồi giáo. Ngày 02/04/2018, Nghị viện Malaysia đã ban hành
“Đạo luật Chống Tin Giả”, theo đó bất cứ ai làm ra hoặc chia sẻ thông tin sai
sự thật trên Internet sẽ bị xem là phạm luật hình sự, với mức án tù lên đến 6
năm, và mức tiền phạt lên đến 128 nghìn dollar USD. Các quy định trên của
Malaysia dễ bị xem là vi phạm quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, nếu nhìn
từ thước đo của văn hóa Anh - Mỹ.
Malaysia làm luật dựa trên nhu cầu
quốc gia của họ, và Việt Nam cũng vậy. Khác với Việt Nam, Anh và Mỹ không phải
là một nước nhỏ, thường xuyên bị phá hủy bởi chiến tranh, đang ở trong giai
đoạn giao thời, và đang phải cân bằng giữa văn hóa phương Đông với phương Tây,
giữa quan hệ ngoại giao với hai cường quốc. Vì vậy, không nên lấy Anh - Mỹ làm
thước đo duy nhất để đánh giá lựa chọn của Việt Nam.
Thêm nữa, chính phủ Mỹ có sẵn sàng
đánh đổi an ninh quốc gia để lấy nhân quyền không? Trong "Chương trình
Phòng chống Tình báo" (COINTELPRO), kéo dài từ năm 1956 đến năm 1971, FBI
từng điều tra, theo dõi, cài người vào để phá hoại hàng chục tổ chức bảo vệ
nhân quyền bị nghi là đe dọa đến an ninh của nước Mỹ. Trong chương trình này,
FBI phá hoại các tổ chức bằng đủ loại thủ thuật - từ gửi thư đe dọa, khủng bố,
tung tin giả để bôi nhọ đời tư, cho đến ám sát các nhà hoạt động. Chẳng hạn, họ
từng cho người hành hung đến chết Viola Gregg Liuzzo, một nhà hoạt động vì
quyền của người da màu, rồi tung tin sai sự thật rằng bà này là đảng viên đảng
Cộng sản Mỹ. Họ cũng gửi thư nặc danh để kêu gọi Martin Luthor King tự sát, và
dọa sẽ công bố các bê bối đời tư của ông nếu ông nhận giải Nobel Hòa bình. Gần
đây, trong chương trình PRISM, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã trực tiếp truy
cập dữ liệu của người dùng Google, Microsoft, Apple và Skype trên toàn thế
giới, ngay trên máy chủ của các công ty đó.
Những hành vi vừa nêu của chính quyền
Mỹ có vi phạm nhân quyền hay không? Nếu có, thì phải chăng ta nên xem xét vấn
đề an ninh quốc gia bằng cái nhìn đa chiều và công bằng hơn, thay vì dùng luật
Mỹ làm thước đo pháp luật của các quốc gia khác?
Vì Anh Là Bão
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét