Chiến dịch vận động âm thầm


Có thể nói rằng, từ khi thôi làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton có một cuộc sống khá xa rời chính trường Mỹ. Người ta những tưởng ở vào tuổi ngoài 60, bà sẽ an vị với một cuộc sống nhàn hạ. Nhưng không, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ đã quyết tâm trở lại Nhà Trắng trong cương vị mới.


Để thực hiện tham vọng này, suốt hơn một năm qua, bà Hillary Clinton đã thực hiện một chiến dịch vận động âm thầm nhưng khá hiệu quả. Kinh nghiệm của hơn 20 năm lăn lộn trên chính trường đã mang lại cho cựu Ngoại trưởng sự thận trọng khó ai bằng. Mở màn chiến dịch tranh cử của mình chỉ bằng một đoạn video được đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter, bà Hillary Clinton đã quyết định xa rời lối mòn vận động tranh cử hoành tráng như nhiều ứng viên khác của đảng Cộng hòa đang làm.


Kế hoạch của bà là từng bước từng bước tiếp xúc với các cử tri để biết và hiểu hơn về những mong muốn của người dân, từ đó có thể đưa ra quan điểm, thông điệp vận động phù hợp nhất. Mục tiêu của cựu Ngoại trưởng Mỹ là phải biến thành một “chiến sĩ đấu tranh cho quyền lợi của tầng lớp trung lưu, đồng thời xây dựng hình ảnh một ứng viên Tổng thống có đầu óc thực tế, chú trọng vào kết quả công việc để vận hành chính phủ hiệu quả nhất. Vì lẽ đó mà sau khi tuyên bố tranh cử, bà Hillary Clinton sẽ tổ chức một sự kiện nhỏ để tiếp xúc cử tri tại thành phố New York. Rồi nữ chính khách này sẽ đi đến Iowa, bang mà bà từng về đích thứ 3 sau ông Barack Obama và cựu Thượng nghị sỹ John Edward trong cuộc chạy đua trở thành ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008. Điểm dừng chân tiếp nữa là New Hampshire, một trong hai nơi bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Bà Hillary Clinton cũng sẽ có những cuộc điện đàm với cố vấn ở “các bang chiến trường” khác.


Theo nhiều nhà phân tích, việc tối giản trong quá trình vận động tranh cử của bà Hillary Clinton bắt nguồn từ thất bại khi tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ có một đoàn cố vấn lớn và đi đến đâu cũng khuếch trương rầm rộ. Chính điều này khiến bà xa rời cử tri và giúp cho ông Barack Obama ghi điểm. Lần này, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho chiến dịch vận động tranh cử, bà Hillary Clinton đã xin rút khỏi vai trò Ngoại trưởng ngay từ đầu nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama. Bà tham gia nhiều hơn vào các công tác xã hội, đi nhiều nơi trên đất Mỹ và cả thế giới để có cái nhìn rộng hơn về thời cuộc.


Ông Tom Henderson, một quan chức đảng Dân chủ ở bang Iowa nhận định: “Theo tôi, bà Hillary Clinton đã chuẩn bị nguồn tài chính và nhân lực cho cuộc vận động tranh cử từ sau Giáng sinh 2014”. Ông Tom Henderson còn cho rằng, với kinh nghiệm chính trường, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ đã tự chọn cho mình một đội ngũ cố vấn tranh cử với số lượng không lớn nhưng gồm toàn những nhân vật có tiếng như Tom Nides, Thứ trưởng Ngoại giao đương nhiệm trong thời kỳ bà đảm nhận vị trí Ngoại trưởng; người đứng đầu văn phòng phát triển của Qũy Bill, Hillary & Chelsea Clinton Dennis Cheng.


Điểm đặc biệt trong lần tranh cử này là bà Hillary Clinton đã rất biết lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để nâng tầm ảnh hưởng của mình. Việc bà chiêu mộ Stephanie Hannon, Giám đốc quản lý sản phẩm của Google làm Giám đốc kỹ thuật phục vụ cho chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng đã cho thấy rõ điều này. Bởi lẽ, Stephanie Hannon không có bất kỳ kinh nghiệm chiến dịch chính trị nào nhưng lại là một phần trong đội ngũ xây dựng Google Maps, một công cụ hữu ích dành cho người đi xa và có uy tín trong lĩnh vực lập trang web, ứng dụng và chạy các chương trình, công cụ khác trên Internet.












7_cuu3548
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được cho là đã âm thầm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử từ sau Giáng sinh năm 2014. Ảnh: Reuters.

Và mục tiêu quyên góp 1 tỷ USD


Các kết quả thăm dò dư luận Mỹ được thực hiện từ giữa năm ngoái cho đến nay đều cho thấy, khoảng 60%-70% người Mỹ khi được hỏi ý kiến đều khẳng định sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ. 69% thành viên Đảng Dân chủ và những thành viên độc lập nghiêng về phía Đảng Dân chủ ủng hộ đề cử cựu Ngoại trưởng ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Đặc biệt bà cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và từng được cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg nhận xét rằng là “người hoàn hảo cho vị trí Tổng thống Mỹ”.


Trong khi đó, 67% người Mỹ cho biết họ nghĩ về bà Hillary Clinton như một nhà lãnh đạo tài giỏi... Hiện trong các đối thủ của đảng Dân chủ như Thượng nghị sĩ Jim Webb, Thống đốc bang Rhode Island Lincoln Chafee và đảng Cộng hòa gồm Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Rand Paul  - những người đã công khai tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, cựu Đệ nhất phu nhân vẫn được cho là ứng viên sáng giá nhất.


Hiện tại, khi quyết định tổ chức chiến dịch tranh cử sớm, bà Hillary Clinton và các cố vấn thân cận đều đặt mục tiêu đạt được ít nhất 1 tỷ USD cho quỹ bầu cử. Một vài tin tức không chính thức cho rằng Quỹ Bill, Hillary & Chelsea Clinton đã nhận tiền tài trợ từ nước ngoài và các doanh nghiệp từ khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. 


Hồi tháng 12 năm ngoái, nhóm quyên góp mang tên “Ready for Hillary” của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ còn bất ngờ được tỷ phú Warren Buffett tặng 25.000 USD, mức tiền tối đa mà một cá nhân có thể quyên góp cho các tổ chức vận động tranh cử. Điều đáng chú ý là tỷ phú Warren Buffett là người ít khi muốn dính líu đến chính trị và mặc dù nhiều tiền nhưng đến nay đây mới là khoản quyên góp đầu tiên của ông cho một tổ chức chính trị độc lập. Hồi năm 2012, tỷ phú Warren Buffett từng từ chối lời đề nghị ủng hộ tài chính cho đương kim Tổng thống Barack Obama.


Nguồn: báo Cand.com.vn