Thái Lan là một nước quân chủ lập hiến,
một trong những quốc gia có sự phát triển kinh tế, tiềm lực quân sự ngang ngửa
với Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và có vị trí địa lý rất gần với chúng ta.
Vì vậy mà những biến động về chính trị của đất nước này không thể không quan
tâm. Hai quốc gia gần Việt Nam đó là Campuchia và Thái Lan trong khoảng thời
gian 5 năm trở lại đây khá bất ổn về chính trị. Điều này xuất phát từ nhiều lý
do khác nhau. Với Thái Lan, cuộc đảo chính của quân đội năm 2014 khiến Thái Lan
phải thông qua một bản Hiến pháp mới vào năm 2017.
Mặc dù bản Hiến pháp mới này đã được nhà
vua Thái Lan ký mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018, thế nhưng nội
dung của bản Hiến pháp này còn nhiều điều khiến người ta bàn cải. Trong đó,
quyền lớn của quân đội đã được thể hiện trong bản Hiến pháp khiến lo ngại về
các cuộc đảo chính có thể tiếp diễn.
Nhìn lại lịch sử Thái Lan, họ đã trải
qua tổng cộng 12 cuộc đảo chính và đều có liên quan đến quân đội. Cuộc đảo
chính quân sự năm 1932 là một bước ngoặt trong lịch sử Thái Lan. Đây là cuộc
đảo chính không đổ máu khi một nhóm nhỏ sĩ quan quân đội lật đổ Vua
Prajadhipok, kết thúc gần 7 thế kỷ tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế. Thái
Lan bước sang chế độ quân chủ lập hiến, kéo theo sự hình thành của hiến pháp và
mở đường cho cải cách chính trị, xã hội.
Năm 1933, Phraya Manopakorn Nititada là
thủ tướng đầu tiên của Xiêm sau cuộc binh biến năm 1932. Năm 1933, nhân vật này
giải tán Quốc hội mới được thành lập, dẫn tới cuộc đấu đá nội bộ giữa các quan
chức chính phủ và thành viên trong đảng của ông. Chính trường Thái Lan rối ren
buộc quân đội phải can thiệp để ổn định tình hình. Phraya Manopakorn Nititada
bị phế truất.
Năm 1946, sau sự ra đi đột ngột của vị
vua trẻ Ananda Mahidol năm 1946, đương kim Thủ tướng Pridi Banomyong từ chức và
người thay ông nắm quyền là Phó đô đốc Thawan Thamrongnawasawat. Tuy nhiên
chính phủ mới nhanh chóng mục nát bởi bê bối và tham nhũng. Năm 1947, một nhóm
sĩ quan quân đội nắm thực quyền can thiệp vào chính trường, đưa Khuang
Aphaiwong, một nhà sáng lập của đảng Dân chủ lên chèo lái đất nước. Cuộc đảo
chính quân sự này rất có ý nghĩa vì nó củng cố vai trò quân đội trong nền chính
trị Thái Lan.
Năm 1951, cuộc đảo chính Im lặng năm
1951 một lần nữa cho thấy ảnh hưởng của quân đội với chính trường Thái Lan.
Những người thực hiện cuộc lật đổ vội vàng giải tán Quốc hội và phục hồi Hiến
pháp năm 1932 nhằm loại bỏ thường dân khỏi chính phủ. Cuộc đảo chính xảy ra khi
Quốc vương Bhumibol Adulyadej đang ở Lausanne, Thụy Sĩ. Thống chế
Phibunsongkhram, một trong những sĩ quan quân đội tham gia cuộc đảo chính đầu
tiên năm 1932 trở thành thủ tướng Thái Lan.
Năm 1957, những cáo buộc gian lận trong
cuộc bầu cử năm 1957 nhằm giúp Phibunsongkhram tiếp tục nắm quyền dẫn tới biểu
tình ở Bangkok. Vua Bhumibol cũng không hài lòng về tình hình chính trường.
Nguyên soái Sarit Thanarat phát động một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ đương
nhiệm và đưa Pote Sarasin trở thành thủ tướng lâm thời năm 1958. Sau đó, nguyên
soái Sarit tiếp tục thực hiện cuộc đảo chính quân sự thứ hai trong năm 1958 để
loại bỏ thành viên đối lập khỏi chính phủ Thái Lan.
Năm 1971, Thống chế Thanom Kittikachorn
tiến hành các hoạt động quân sự, giải tán quốc hội Thái Lan năm 1971.
Năm 1976, lực lượng Vệ binh Quốc gia
Thái Lan đàn áp cuộc biểu tình do sinh viên phát động. Tám tháng sau đó, quân
đội tổ chức đảo chính lật đổ Thủ tướng Seni Pramoj. Quân đội tuyên bố thiết
quân luật trên phạm vi cả nước, bãi bỏ hiến pháp được đưa ra hai năm trước đó
đồng thời cấm tất cả các đảng phái chính trị hoạt động.
Năm 1977, Tướng Thanin Kraivichien và
chính phủ của ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu năm 1977 bởi
chính những người đưa ông tới vị trí quyền lực một năm trước đó.
Năm 1991, đương kim Thủ tướng Chatichai
Choonhavan bị bắt trên đường tới gặp nhà vua để đệ trình kế hoạch yêu cầu bổ
nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng, động thái được xem là chống lại tầng lớp quân đội.
Tướng Sunthorn Kongsompong nắm quyền lãnh đạo đất nước thông qua vai trò người
đứng đầu Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia.
Năm 2006, quân đội Thái Lan bất ngờ lật
đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra mà không cần nổ súng. Cuộc binh
biến diễn ra khi ông Thaksin và một số bộ trưởng đang tham dự lễ khai mạc phiên
họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. Quân đội bãi bỏ hiến pháp,
miễn nhiệm ông Thaksin và hứa hẹn cải cách chính trị.
Cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan năm 2006
Năm 2014, quân đội lần thứ 12 can thiệp
vào chính trường Thái Lan nhằm ổn định tình hình đất nước sau những cuộc biểu
tình kéo dài nửa năm qua. Những người biểu tình phản đối chính phủ của bà
Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin và yêu cầu bà từ chức. Tuy
nhiên, sự ra đi của bà không giúp đất nước Thái Lan ổn định. Tư lệnh Lục quân
Prayuth Chan-ocha tuyên bố quân đội giành quyền kiểm soát đất nước sau những
cuộc đàm phán chính trị không đạt hiệu quả. Hãng thông tấn AP dẫn lời một phát ngôn viên quân đội Thái Lan
khẳng định: “Đây hoàn toàn không phải cuộc đảo chính”. Theo ông Prayuth, quân
đội can thiệp để ngăn chặn đổ máu trên đất Thái Lan.
Rõ ràng, đó là một lịch sử đáng lo ngại
cho một đất nước. Quyền quá nhiều được trao cho quân đội đặt chính quyền phải
phụ thuộc vào lực lượng này và đương nhiên, người đứng đầu quân đội có quyền
rất lớn; có thể chi phối cả hệ thống chính trị. Bản Hiến pháp lần này được
thông qua bởi 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm, và 500 đại diện dân cử
tại Hạ viện.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, điều đó
rất có thể sẽ xảy đến với Thái Lan một lần nữa. Đất nước muốn ổn định cần phải
có lực lượng quân đội vững mạnh. Tuy nhiên, nếu chính phủ không kiểm soát được
lực lượng này thì sẽ trở thành mối đại hoạ đối với sự ổn định và phát triển. Và
Thái Lan sẽ là bài học quý báu cho những nước láng giềng mà trong đó có Việt
Nam.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét