Câu chuyện đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trở thành
chủ đề bàn tán trong các cuộc nói chuyện mấy hôm nay chính là câu chuyện tại
phiên chất vấn trên nghị trường Quốc hội ngày 31/10. Như báo chí, phương tiện
truyền thông đăng tải, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng của tỉnh Bến Tre đã chất vấn bộ
trưởng Công an Tô Lâm với việc nêu ra những con số mà đại biểu Nhưỡng cho rằng
là sai phạm rất khủng khiếp của cơ quan điều tra. Câu chuyện này đã làm nhiều
người có suy nghĩ, cái nhìn không đúng về lực lượng Công an. Sự thật câu chuyện
này thế nào, chúng ta cũng phân tích xem.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình
Nhưỡng
Theo đó, với vị trí Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cơ quan điều tra không thụ lý
tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác
quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%... Phát biểu gây shock đó của vị đại biểu
này ngay lập tức nhận được làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Theo báo cáo chính thức của Bộ Công an trong 12 tháng báo cáo
Quốc hội (từ 01/10/2017 đến 30/9/2018), các CQĐT đã tiếp nhận và giải quyết tin
báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, CQĐT trong CAND tiếp nhận và giải quyết là 118.731 tin chiếm 98,83%;
(1,17% còn lại là tin báo, tố giác tội phạm do các Cơ quan khác tiếp nhận và giải
quyết như CQĐT Quân đội nhân dân; CQĐT của Viện Kiểm
sát nhân dân; Cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như Hải
quan, Cảnh sát Biển, Kiểm lâm...).
Tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải
quyết 104.767 (tỷ lệ giải quyết đạt 87,20%). So với tổng thể chung số tin báo,
tố giác tội phạm đã thụ lý giải quyết thì những vi phạm trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ,
cụ thể là:
Số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của CQĐT
trong CAND là 82/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 0,07%. Số tin báo, tố giác tội phạm,
kiến nghị khởi tố đã giải quyết nhưng chậm gửi quyết định giải quyết cho Viện
Kiểm sát của CQĐT trong CAND là 37/118.731 tin chiếm 0,03%. Số tin báo, tố giác
xử lý quá hạn của CQĐT trong CAND là 3.360/118.731 tin chiếm tỷ lệ 2,82%. Số lần
vi phạm trong việc gửi, tống đạt, thông báo, niêm yết… các lệnh, quyết định áp
dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của CQĐT trong CAND là 33 chiếm
tỷ lệ 0,01%.
Như vậy, số liệu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tự tính để đưa ra
các con số báo cáo trước Quốc hội để khẳng định “vi phạm của CQĐT là rất khủng
khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho VKS 86%, xử lý tin
tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%...” là hoàn toàn không đúng, có
tính chất suy diễn, quy chụp, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CAND.
Theo quan điểm cá nhân mình, thì ý kiến đó của đại biểu Lưu
Bình Nhưỡng là hoàn toàn không đáng tin cậy, không đúng sự thật. Một là do ông
kém về tính toán, hai là, ông có động cơ gì đó với lực lượng Công an.
Chỉ với một con tính đơn giản mà ông Lưu Bình Nhưỡng cũng
không tính toán ra được. Những phát ngôn sai, thiếu chính xác của ông, cho dù
là kém về mặt tính toán, hay có động cơ nào khác thì cũng đã làm Quốc hội, dư
luận cử tri cả nước, bạn bè quốc tế có những suy nghĩ, cái nhìn không đúng về lực
lượng Công an. Điều này càng trở nên đặc biệt nguy hiểm. Bởi một số kẻ đã viện
dẫn những phát biểu không chính xác này của ông Lưu Bình Nhưỡng để gán ghép,
bôi nhọ, xuyên tạc bản chất cách mạng của lực lượng Công an, nói xấu Đảng.
Hơn lúc nào hết, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cần phải có đính
chính, xin lỗi công khai đến Bộ Công an, lực lượng CAND trước Quốc hội, đồng
bào và cử tri cả nước, cũng như trước các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thiết nghĩ, với vai trò đại biểu Quốc hội ông Lưu Bình Nhưỡng
cần phải xem xét lại bản thân mình. Ông là đại diện cho nhân dân, cho cử tri chính
vì vậy ông nên hạn chế những phát ngôn gây sốc của mình đi là vừa.
Cỏ Úa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét