|
Ông Nguyễn Hữu Linh đến tòa |
Nhìn cái cách một
số anh phóng viên đuổi theo và chĩa ống kính vào mặt ông Nguyễn Hữu Linh (61
tuổi, nguyên Phó Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng - người bị khởi tố về hành
vi dâm ô với người dưới 16 tuổi) khi ông này đến tòa, dù ông đã cố tình chạy
lên cầu thang ấy thế nhưng một số anh phóng viên tay lăm lăm ống kính vẫn đuổi
theo khiến ông Linh phải chạy vào nhà vệ sinh, tôi thấy có cái gì đó sai sai,
không được phải cho lắm. Rồi nữa, trên các trang báo là những dòng tít kiểu như
“Nguyễn Hữu Linh chạy trốn ống kính của phóng viên” hay “Nguyễn Hữu Linh trốn
trong nhà vệ sinh”, cùng với đó là sự hả hê, khoái trá của không ít người, rõ
ràng tôi thấy có một điều gì đó rất phản cảm, thiếu tính nhân văn của con
người.
Ông Nguyễn Hữu Linh
bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi khi ông này
ôm, hôn một cháu bé trong thang máy ở một chung cư ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi không
hoàn toàn có ý bao che hay bảo vệ cho hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh. Rõ ràng
hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh là không thể chấp nhận, cần phải bị xử lý
nghiêm khắc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thấy rằng, khi chưa có bản án
của Tòa án, ông Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị tước bỏ đi quyền công dân của mình.
Khi Tòa án quyết định đưa ra xét xử, ông Linh là bị cáo và khi đó pháp luật
chưa tước đi quyền công dân của ông Nguyễn Hữu Linh. Như vậy, ông Linh vẫn có
quyền nhân thân về hình ảnh cá nhân.
Tại Điều 32 Bộ luật
dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình
ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Dù luật pháp chưa quy định rõ khi bị cáo ra
tòa quyền này có bị mất hay không nhưng rõ ràng chưa có quy định nào tước bỏ quyền
nhân thân về hình ảnh đối với các bị cáo. Mặc dù một số anh phóng viên lý giải
rằng, chụp hình ảnh của bị cáo là để tuyên truyền pháp luật, nhưng theo tôi
chụp thế nào, chụp khi nào, chụp làm sao cho đúng và hợp lẽ lại là chuyện cần
phải suy nghĩ.
Dù có hành vi phạm
tội đi chăng nữa thì ông Nguyễn Hữu Linh vẫn là con người. Nhìn cái cách ông
Nguyễn Hữu Linh chạy lên cầu thang bộ, thậm chí chạy cả vào nhà vệ sinh khi bị
cánh phóng viên “truy đuổi” ai cũng hiểu được rằng, vì không muốn hình ảnh của
mình xuất hiện trên báo và mạng xã hội nên ông mới làm thế. Khi đọc những dòng
tâm sự của vợ ông Linh được đăng tải trên mạng xã hội tôi thấy được rằng, sau
khi ông Linh bị khởi tố, các báo, mạng xã hội tràn lan thông tin về ông Linh,
gia đình, vợ con ông rõ ràng đã có những ngày tháng tồi tệ. Áp lực dư luận, áp
lực gia đình, làng xóm rõ ràng quá lớn đối với họ. Chẳng những vậy mà dù có
nhà, vợ con ông Linh vẫn không dám về nhà để ở mà phải đi nơi khác chỉ vì sức
ép dư luận là quá lớn.
Vẫn biết rằng, báo
chí có nhiệm vụ đưa tin đến với độc giả một cách chân thực nhất. Tuy nhiên, đưa
tin thế nào, đưa tin làm sao cho khách quan, cho nhân văn rõ ràng là vấn đề
không phải nhà báo, phóng viên nào cũng đã rõ. Một số anh chị phóng viên đang
cho mình cái quyền vượt lên trên một nhà báo, chẳng nhẽ họ có quyền truy đuổi
ông Linh, ốp sát ống kính vào mặt ông để chụp ảnh như vậy? Với tôi đó là việc
làm phản cảm và không có tính nhân văn.
Luật pháp dù sao
vẫn luôn có sự khoan hồng, tạo cho người ta một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Trong cuộc sống, cha mẹ chúng ta cũng đã dạy, đừng nên dồn ép ai đó đến con
đường cùng mà hãy tạo cho họ một cơ hội để họ sửa sai, để làm lại cuộc đời.
Luật pháp không chỉ là răn đe, nghiêm trị mà còn có tính giáo dục. Hãy đừng làm
những chuyện phản cảm, thiếu nhân văn như vậy bởi những việc làm đó vô tình đang
dồn ép con người ta tới con đường cùng.
Việt Nguyễn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét