|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Thái Lan |
Chiều ngày 22/6, nhân
dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan,
theo đề nghị của phía Singapore, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã
phê phán phát biểu ngày 31/5 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt
Nam và Campuchia giai đoạn 1979 - 1980.
Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore
về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những
định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là
thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để
mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn
bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.
Thủ tướng Lý Hiển
Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một
chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và
thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN
tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác. Thủ tướng Lý Hiển Long
cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với
Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ
trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của
khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết
và tự cường.
Mặc dù giải thích
rằng phát ngôn ngày 31/5 là “không có ý làm tổn thương Việt Nam”, nhưng rõ ràng
việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu của Thủ tướng Singapore trong
cuộc gặp song phương trên là cần thiết, thể hiện quan điểm cứng rắn của Việt
Nam rằng lịch sử không thể bị xuyên tạc.
Trước đó, trong bài
viết trên Facebook hôm 31/5 nhằm chia buồn việc cựu thủ tướng Thái Lan Prem
Tinsulanonda qua đời, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có những phát biểu đề
cập tới mối quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia và ASEAN trong thập niên 1980. Ông
Lý Hiển Long nói rằng giai đoạn lãnh đạo của ông Prem trùng với thời điểm mà
ông gọi là "sự xâm lược của Việt Nam với Campuchia và chính phủ Campuchia
thay thế Khmer Đỏ". Ông còn nói rằng Thủ tướng Thái Lan Prem đã phối hợp
với các đối tác ASEAN để chống lại "sự chiếm đóng" của Việt Nam.
Phát biểu trên của
ông Lý Hiển Long rõ ràng đã xuyên tạc lịch sử, xúc phạm sự hy sinh, giúp đỡ
trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam, những người đã giúp giải phóng Campuchia
thoát khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ.
Như chúng ta đã
biết, chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ từ điều tra của Liên Hiệp Quốc báo cáo đã
gây ra cái chết cho khoảng 2-3 triệu người (tổ chức UNICEF ước tính khoảng 3
triệu người, với khoảng một nửa chết vì bị hành quyết và số còn lại vì đói khát
và bệnh tật cho chính nhân dân Campuchia). Ngoài ra, chúng còn giết hàng ngàn
người dân Việt Nam vô tội khi đưa quân sang xâm lấn biên giới.
|
Một trong những bằng chứng về tội ác của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia |
Ngày 13/12/1978,
Khmer Đỏ đã huy động 10 sư đoàn (khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm
lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, thực hiện sách lược diệt chủng đối với
người Việt, như đã làm với chính người dân Campuchia. Ngày 23/12/1978, sau khi
được tăng viện, với 80.000 quân, bộ đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên
toàn bộ mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ ra khỏi các vị trí dọc biên giới. Và
chỉ sau 2 tuần, với những chiến dịch thần tốc, sức mạnh như vũ bão của đoàn
quân Việt Nam bách chiến bách thắng, ngày 07/1/1979, Campuchia được hoàn toàn
giải phóng.
Từ tháng 12/1977
đến 14/6/1978, Việt Nam thương vong 30.642 bộ đội, trong đó hy sinh 6.902
người. Hơn 30 vạn dân phải tản cư về phía sau, bỏ hoang 6 vạn ha đất bởi bàn
tay Khmer Đỏ. Theo đó hiệp ước được ký bởi chính phủ mới của Campuchia với Việt
Nam, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại giúp nước bạn, máu chiến sỹ Quân
đội nhân dân Việt Nam vẫn nhuộm đỏ mảnh đất này cho đến năm 1989 mới rút quân
về nước. Trong chiến dịch phản công tự vệ và giúp bạn giải phóng đất nước, hơn
8.000 cán bộ chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống. Trong 10 năm sau
đó hàng vạn người con ưu tú của nước Việt tiếp tục đổ máu xương vì cuộc sống
bình yên cho nhân dân nước bạn.
Có thể nói rằng,
trong lịch sử nhân loại hiếm có một quốc gia nào mang máu xương của mình đi cứu
giúp quốc gia khác như Việt Nam đã làm với Campuchia. Ấy vậy mà, thế giới khi
đó nhìn Việt Nam như thế nào, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước lớn khác đã vin cớ “Việt
Nam xâm lược Campuchia” để cấm vận, cô lập Việt Nam. Thử hỏi nếu Việt Nam không
đưa quân sang đánh đổ Pôn Pốt thì Campuchia hiện giờ sẽ đi về đâu? Liệu có còn
nước Campuchia như ngày nay? Có tận mắt chứng kiến mới hiểu thế nào là tàn bạo,
là dã man của chế độ đó, đến chùa Ba Chúc mới thấy được Pon Pot đã làm gì,
không phải tự nhiên nhân dân Campuchia khi đó gọi Quân đội nhân dân Việt Nam là
“Bộ đội nhà Phật”.
Chẳng thế mà, ngày
quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Pracheachon của Campuchia ngày 29/6/1989
đã ra xã luận viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol
Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất
chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.
Cho đến hiện nay, nhân
loại vẫn nợ Việt Nam một lời cám ơn và thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi. Lịch
sử rõ ràng không phải được viết bởi người chiến thắng, lịch sử được viết bởi
xương máu và nước mắt của một dân tộc. Lịch sử một dân tộc có lúc thăng, lúc
trầm nhưng lịch sử một dân tộc không phải dành cho những kẻ phán xét về nó. Chẳng
biết Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có hiểu điều này. Phát biểu của ông đã
làm tổn hại đến Việt Nam, Campuchia, đến những người bộ đội Việt Nam đã hy sinh
máu xương của mình để cứu giúp dân tộc Campuchia. Cá nhân ông cần biết điều này
để chính thức có lời xin lỗi đến đất nước và người dân Việt Nam chúng tôi.
Việt Nguyễn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét