Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND về
tặng quà cho người có công, gia đình diện hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động
có hoàn cảnh khó khăn, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng
tháng, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong
đó, thành phố Hà Nội dành trên 378 tỷ đồng tặng quà cho 859.271 người là đối tượng
chính sách, người có công, người nghèo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt và
một số đối tượng khác…
Thành phố sẽ tặng các suất quà
cụ thể như sau: người có công với cách mạng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến,
thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động; người tham gia hoạt động
cách mạng trước ngày 1-1-1945 (lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng
từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 (tiền khởi nghĩa) sẽ được
tặng 1 triệu đồng/đối tượng. Suất quà 1 triệu đồng/đối tượng cũng được gửi tới
người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; đại diện thân
nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); người
hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng,
hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Trong trường hợp một người có công
thuộc các đối tượng người có công nêu trên thì chỉ được nhận một suất quà tặng
của thành phố.
Mức quà 500.000 đồng/đối tượng
dành tặng con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang
hưởng trợ cấp hằng tháng; đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ; quân nhân, cán bộ,
chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác
đã thôi việc hoặc phục viên, xuất ngũ về địa phương. Người tham gia chiến tranh
bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày
30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng cũng
được nhận mức quà 500.000 đồng. Mức quà 300.000 đồng/đối tượng được gửi tới
những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, gia đình
thuộc hộ nghèo. Ngoài ra, thành phố Hà Nội sẽ tặng quà mức 1,5 triệu đồng/đối
tượng cho các cụ tròn 100 tuổi (sinh năm 1920); mức 1,2 triệu đồng/đối tượng
cho các cụ thọ hơn 100 tuổi; mức 1 triệu đồng/đối tượng cho các cụ tròn 90 tuổi
(sinh năm 1930), tròn 95 tuổi (sinh năm 1925). Các cụ ở tuổi chẵn 70, 75, 80,
85 sẽ nhận được quà mức 700.000 đồng/người.
Chính quyền Hà Nội thăm hỏi các gia đình có công (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội
và các địa phương còn tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà 87 đơn vị nuôi
dưỡng, điều dưỡng đối tượng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội, đơn vị sản
xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh, người tàn tật tiêu biểu, gia đình
người có công tiêu biểu. Để mọi người, mọi nhà đều có Tết, thành phố Hà Nội sẽ
tặng người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng nữ cựu thanh niên xung
phong cô đơn, không hưởng trợ cấp hằng tháng suất quà 500.000 đồng/đối tượng.
UBND Thành phố đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng Sở, Ban, ngành, đoàn thể,
các quận huyện trong tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo việc tặng quà thiết thực,
hiệu quả, đúng đối tượng. Trong đó, UBND Thành phố giao Sở Lao động- Thương
binh và Xã hội kiểm tra, giám sát việc thăm hỏi, tặng quà, kịp thời phát hiện
và xử lý nghiêm những vi phạm trong việc thực hiện chính sách tặng quà. Liên
đoàn Lao động Thành phố được giao chủ trì, xây dựng kế hoạch chăm lo đời sống
đoàn viên, người lao động; tổ chức tặng quà Tết cho các đối tượng là người lao
động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, triển khai tốt công tác đưa
đoàn viên, người lao động về quê đón Tết, phối hợp xử lý những phát sinh của
người lao động về quyền lợi trong dịp Tết.
Việc thăm hỏi, tặng quà phải
đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời theo quy định hiện
hành; huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong
phú, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng có
hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có Tết. Đây là hành động hết sức
cần thiết nhằm động viên người có công, gia đình diện hộ nghèo, người cao tuổi,
người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức
lao động hàng tháng, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu tiếp tục tham gia vào các
hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Bình Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét