Cách đây tròn 40 năm (7/1/1979) với ý chí quật cường, chúng
ta đã thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân
dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot . Có thể khẳng định, 40 năm
trôi qua, nhưng Chiến thắng này còn mãi âm vang và là một biểu tượng sinh động
của mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc.
Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh
tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước
Lật lại lịch sử, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
thắng lợi, những tưởng nhân dân Campuchia được hưởng cuộc sống hòa bình, nhưng
chính quyền Khmer Đỏ do Tập đoàn phản động Pol Pot đứng đầu đã thi hành một
chính sách đối nội phản động, gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Đời sống
xã hội bị đảo lộn, các giá trị văn hóa truyền thống bị xóa bỏ, hàng triệu người
Campuchia bị giết hại dã man mà không cần xét xử.
Cả nước bao trùm lên không khí đau thương: “Không tự do đi lại,
không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do
học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn
bán, không chùa chiền… và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của
dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”.
Là nước láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là đã nhiều lần cùng chung vận mệnh lịch
sử với Campuchia, trước hành động gây hấn ngày một tăng của quân Pol Pot, ngày
15/6/1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam họp, thống nhất nhận định:
Tập đoàn Pol Pot với sự xúi giục và ủng hộ của thế lực nước ngoài đã phản bội sự
nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, phản bội Việt Nam, gây nên thảm họa diệt
chủng tàn bạo ở trong nước và cuộc chiến tranh chống Việt Nam.
Từ đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam xác định mục
tiêu của lực lượng vũ trang trong nước lúc này là “tiêu diệt và làm tan rã cho
được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống của tập đoàn phản
động Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng chân chính của
Campuchia phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền,
bảo vệ độc lập, chủ quyền và chủ nghĩa xã hội ở Campuchia”.
Thực hiện quyết tâm đó và theo đề nghị của cách mạng
Campuchia, từ cuối năm 1978 đầu 1979, quân tình nguyện Việt Nam bao gồm các
quân đoàn 2, 3, 4 và một số đơn vị của các quân chủng: Hải quân, Phòng không -
Không quân; các quân khu 5, 7, 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng
vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia mở cuộc phản công, tiến công quân Pol
Pot trên nhiều hướng.
Ngày 06/01/1979, Quân tình nguyện Việt
Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt
đầu tổng công kích vào Thủ đô PhnômPênh. Sau 2 ngày tổng công kích, ngày
07/01/1979, Thủ đô PhnômPênh hoàn toàn được giải phóng.
Thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ
biên giới Tây Nam của Tổ quốc có ý nghĩa rất to lớn đối với Việt Nam: Một lần nữa
khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết
dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động
chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối
quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí
nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân
dân Campuchia.
Thắng lợi vĩ đại ngày 7/01/1979 là thắng
lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, thể hiện sức mạnh của
tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa hai dân tộc
Việt Nam - Campuchia. Với thắng lợi ngày 7/01/1979, quan hệ hai nước Việt Nam -
Campuchia chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu
nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa
bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi
ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.
Hương
Ngọc Lan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét