Trong
suốt 10 năm Quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn trên đất Campuchia, không ít chỉ
trích từ bên ngoài và cả một số ý kiến lạc điệu bên trong cho rằng chúng ta
đang "sa lầy" ở Campuchia; thậm chí đến bây giờ cũng vẫn còn có ý
kiến "10 năm là quá lâu"!
Trong
suốt 10 năm ác liệt, vô cùng khó khăn đó, các thế lực thù địch đã ngụy tạo cái
cớ "Việt Nam đưa quân xâm lược Campuchia" để bao vây, cô lập Việt Nam
về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Chúng ta đã lường trước các
thách thức, trở ngại đó.
Hồi
ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng ghi lại: "Đánh sang Campuchia ta biết có
cái khó, nhưng không có cái đó thì không có ngày nay, vì địch quyết đẩy ta vào
một cuộc chiến tranh. Khi mở cuộc tiến công ta cũng đã có bàn tính kỹ… Đánh
sang Campuchia là đúng!".
Nguyên
Tổng bí Thư Lê Khả Phiêu (thời điểm rút quân năm 1989 là Phó Tư lệnh về chính
trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Mặt trận 719), khi trả lời phỏng vấn các nhà báo
quốc tế cũng khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rèn dạy Quân đội chúng
tôi: 'Giúp bạn là tự giúp mình'; 'Cứu bạn là tự cứu mình'. Chúng tôi về nước
với lòng trong sáng tự hào khi cứu một dân tộc khỏi họa diệt vong, không lấy
của nhân dân Campuchia một cái kim sợi chỉ thì sợ gì mang tiếng xâm lược".
Trong
quá trình tiến công giải phóng Campuchia, lật đổ tập đoàn Pol Pot vào ngày
7-1-1979, ta không chủ trương đánh tiêu diệt triệt để, mà chỉ xóa sổ cơ quan
đầu não và lực lượng chủ yếu của địch, khiến chúng không còn khả năng phản kích
hòng lật đổ chính quyền cách mạng, quay trở lại nắm chính quyền, uy hiếp nghiêm
trọng đến sự tồn tại và phát triển của cách mạng Campuchia.
Người dân Campuchia trong buổi lễ chia tay Quân Tình nguyện Việt Nam
Lực
lượng quân sự Khmer đỏ vẫn còn đến hơn 4 vạn quân, rút chạy, phân tán ở vùng
rừng núi hẻo lánh, ép người dân đi theo để làm bia đỡ đạn. Chúng được một số
nước lớn cung cấp vũ khí trang bị, lấy khu vực biên giới Thái Lan làm chỗ đứng
chân, tiến hành các hoạt động quân sự.
Ngay
từ tháng 2-1979, quân Pol Pot đã tổ chức nhiều đợt phản kích quy mô lớn vào một
số địa bàn quan trọng hướng Tây Nam, Tây Bắc, các trục đường 3,4,5… hòng giành
lại thế chủ động trên chiến trường, uy hiếp trực tiếp đến sự tồn tại của chính
quyền cách mạng; mưu đồ hình thành "hai vùng, hai lực lượng".
Thậm
chí, lãnh đạo Liên minh Dân chủ 3 phái (trong đó có Khmer đỏ) còn mạnh miệng
tuyên bố: "Nếu quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia thì lập tức Chính phủ
Hun Sen sẽ bay như tờ giấy!".
Trong
tình hình đó, nếu ta không tiếp tục duy trì lực lượng ở lại Campuchia, quân Pol
Pot được hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài, hoàn toàn đủ sức để phản
công, lật đổ chính quyền cách mạng; phục hồi chế độ diệt chủng, đàn áp cách
mạng, tàn sát nhân dân Campuchia. Và nguy cơ tái diễn cuộc chiến tranh biên
giới Việt Nam - Campuchia (như trước năm 1979) là nhãn tiền.
Khi
đó, xương máu của những người cách mạng chân chính Campuchia, của cán bộ, chiến
sỹ và nhân dân ta đổ xuống để giành chiến thắng ngày 7-1-1979 trở nên vô ích,
nghĩa vụ quốc tế, tình đoàn kết ba nước Đông Dương không thực hiện được trọn
vẹn.
Thực
tế, từ năm 1979 đến 1989, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với quân đội
Campuchia tiến hành nhiều trận đánh, chiến dịch, đánh bại các đợt phản kích,
tiêu diệt các căn cứ quân sự của Khmer đỏ ở biên giới phía Tây, ngăn chặn các
nguồn viện trợ quân sự từ bên ngoài qua biên giới Thái Lan (chỉ riêng mùa khô
năm 1979 đã diễn ra 11 chiến dịch).
Một
lý do quan trọng khác là tình hình an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội Campuchia
hết sức phức tạp, khó khăn. Trong một thời gian ngắn, Campuchia chưa thể xây
dựng được bộ máy quản lý xã hội dù chỉ ở mức tối thiểu. Môi trường xã hội hỗn
loạn, người dân thấy bất an, lo sợ. Một số lớn tàn quân Khmer đỏ vẫn ẩn náu
trong các phum xã, lẩn khuất trong các tầng lớp nhân dân, chờ thời cơ chống
phá.
Khắp
nơi tràn lan vũ khí Khmer đỏ để lại, thậm chí có cả súng đạn, chất nổ từ thời
kỳ Lon Nol (trước năm 1975). Người dân đói khát, thiếu thốn, bần cùng tất sinh
đạo tặc… Chừng nào còn tình trạng cướp bóc, hãm hiếp, chừng nào súng ống còn
trôi nổi ngoài chợ đen thì chừng đó người dân còn bất an, không thể vững tin để
xây dựng cuộc sống mới.
Nhân
dân Campuchia từng sống lầm than đến cùng cực dưới chế độ Pol Pot mong muốn
được sống hòa bình ổn định dưới chế độ mới. Trước nỗi ám ảnh về sự quay lại của
Khmer đỏ, họ bày tỏ mong muốn Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp đỡ, bảo vệ
họ.
Điều
đó được nhà sử học Ben Kiernan (Đại học Yale - Hoa kỳ) viết trong cuốn sách
"Chế độ diệt chủng Pol Pot": "Nỗi sợ Pol Pot quay trở lại hủy
diệt và nội chiến tái phát là mối đe dọa lớn làm cho mọi người thấy phải coi sự
củng cố quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Campuchia với Việt Nam là niềm hi vọng
duy nhất để có được một nhà nước độc lập, vững bền".
Giai
đoạn đó, chính quyền cách mạng Campuchia đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược
phải tiến hành đồng thời là bảo vệ và xây dựng đất nước. Chính quyền Campuchia
non trẻ cần được giúp đỡ để xây dựng toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh
tế, ngoại giao, ổn định cuộc sống, tổ chức khôi phục, phát triển sản
xuất.
Bạn
cần sự hỗ trợ, điểm tựa để tiến công địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính
trị và ngoại giao, để có thể giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, trung lập,
không liên kết, hòa bình của Chính phủ Campuchia trên trường quốc tế.
Xuất
phát từ yêu cầu của cách mạng Campuchia, truyền thống quan hệ giữa hai nước,
nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân Campuchia, ngày 11-6-1981, Việt
Nam và Campuchia kí Hiệp định giúp đỡ và hợp tác quân sự; hai Bộ Quốc phòng kí
Hiệp định tiếp tục duy trì các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Như
vậy, việc Quân tình nguyện Việt Nam ở lại Campuchia có đầy đủ cơ sở pháp lý, là
đòi hỏi khách quan, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với nguyện vọng của nhân dân
hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc.
Việc
Quân tình nguyện Việt Nam ở lại bao lâu, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của
lãnh đạo Việt Nam, Campuchia mà phụ thuộc vào kết quả thực hiện mục tiêu chiến
lược, và còn tùy thuộc vào nguy cơ quay trở lại của chế độ diệt chủng, sự hỗ
trợ quân sự của nước ngoài cho Khmer đỏ.
Thủ
tướng Hun Sen, lúc đó là Ngoại trưởng khẳng định: "Khi nào vấn đề Pol Pot
và những mối đe dọa từ bên ngoài đối với Campuchia được giải quyết thì quân đội
Việt Nam sẽ rút về nước".
Trung
tướng Lê Hai - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - trong hồi ký của mình
viết: "Bộ Chính trị quyết định để lực lượng ở lại giúp Bạn, năm 1982 đề ra
3 mục tiêu chiến lược, đó là quyết định đúng, sáng suốt. Không phải quá lâu
nhưng cũng cần có thời gian mới giúp bạn tự lực được".
Kết
luận của Bộ Chính trị tháng 12-1995 khẳng định: "Từ con số không, xây dựng
Bạn trưởng thành tự đảm đương được nhiệm vụ không thể làm trong một thời gian
ngắn, mặc dù còn nhiều khó khăn trong nước và sức ép quốc tế ghê gớm nhưng Đảng
ta vẫn kiên định đường lối độc lập của mình giúp Bạn cho đến lúc ta đã hoàn
thành được các mục tiêu đề ra…".
Điều
này, dư luận quốc tế ngày càng thấy rõ hơn.
Nguồn: QĐND
Như vậy, việc Quân tình nguyện Việt Nam ở lại Campuchia có đầy đủ cơ sở pháp lý, là đòi hỏi khách quan, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc.
Trả lờiXóa