Bài
phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo
luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 28/09 đã có bài
phát biểu với chủ đề “Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hoà bình
và phát triển bền vững” tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng
Liên Hợp Quốc.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Thưa Ngài Chủ tịch,
Tôi xin chúc mừng Ngài Tijjani Muhammad-Bande nhân dịp Ngài được bầu làm
Chủ tịch Khóa 74 Đại hội đồng LHQ. Tôi tin tưởng rằng với bản lĩnh và bề dày
kinh nghiệm, Ngài sẽ dẫn dắt Khóa họp của chúng ta thành công tốt đẹp.
Tôi cũng xin bày tỏ sự đánh giá cao về những nỗ lực đóng góp quan trọng
của Bà Maria Fernanda Espinosa Garces, Chủ tịch Khóa 73 ĐHĐ LHQ cho công việc
của Đại Hội đồng cũng như và về những nỗ lực và cống hiến của Tổng Thư ký
Antonio Guterres trong thời gian qua.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Cách đây tám thập kỷ, Chiến tranh Thế giới lần thứ II, cuộc chiến đẫm
máu, khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại, đã bùng nổ, cướp đi sinh mạng của
hàng chục triệu người, tàn phá các nền kinh tế, chứng kiến những tội ác kinh
hoàng, cùng sự ra đời của những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh mới với
sức hủy diệt to lớn.
Trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc đó, các quốc gia nhận thức rõ ràng
hơn về tầm quan trọng của một hệ thống an ninh tập thể dựa trên hợp tác đa
phương và luật pháp quốc tế, lấy đó làm nền tảng cho trật tự thế giới mới hậu
chiến tranh. Và thực tế đã chứng minh đây là lựa chọn đúng đắn.
Trong suốt ¾ thế kỷ qua, các cơ chế hợp tác đa phương, với trung tâm là
LHQ, đã thực sự khẳng định vai trò tất yếu và không thể thiếu của mình. Các thể
chế đa phương đã tạo ra cơ chế thảo luận, hoạch định chính sách chung cho các
quốc gia trên các vấn đề quản trị toàn cầu – từ những chủ đề chung như hòa
bình, an ninh, kinh tế, thương mại, phát triển, nhân quyền, tới những lĩnh vực
cụ thể như hợp tác hàng hải, hàng không, bưu chính, viễn thông... Các diễn đàn
đa phương, đặc biệt là LHQ, còn là nơi hình thành ý tưởng, xây dựng tiêu chuẩn
và chiến lược nhằm điều phối nỗ lực của các quốc gia ứng phó với các vấn đề an
ninh truyền thống và phi truyền thống, xử lý các thách thức toàn cầu, nâng cao
chất lượng cuộc sống của người dân.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Nhân loại sắp bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21. Chúng ta vui mừng
trước những thành quả của các nỗ lực hòa bình ở các khu vực, từ Mali, Liberia
đến Nam Sudan, Bờ Biển Ngà. Việt Nam hoan nghênh tất cả các nỗ lực đối thoại,
giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình ở các khu vực, trong đó có đối
thoại giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ.
Những nỗ lực toàn cầu cũng đã mang lại những thành quả to lớn về phát
triển. Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, giáo dục tiểu học đã
được phổ cập ở nhiều quốc gia, tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em giảm đáng kể. Chúng
ta đã cùng nhau xây dựng được các chiến lược quan trọng, tạo khuôn khổ cho các
nỗ lực phát triển toàn cầu, như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền
vững, Chương trình hành động Addis Ababa về Tài chính cho phát triển, Thỏa
thuận Paris về Biến đổi khí hậu…
Nhưng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức gay gắt hơn
bao giờ hết. Các tiến trình đa phương ngày càng vấp phải nhiều khó khăn do xu
hướng theo đuổi những lợi ích vị kỷ, lựa chọn sự áp đặt thay cho hợp tác, cạnh
tranh, đối đầu thay vì đối thoại và phối hợp hành động, chính trị cường quyền
thay vì theo đuổi những giá trị chung, tôn trọng luật pháp quốc tế. Cam kết
chính trị và nguồn lực giảm sút đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của các nỗ lực đa
phương toàn cầu.
Trong khi đó, thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức ở mức
độ và tính chất khác hoàn toàn so với cách đây chỉ một vài thập kỷ. Những tác
động trực tiếp và lâu dài của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch
bệnhảnh hưởng sâu sắc tới tất cả các quốc gia. Xung đột kéo dài ở nhiều khu vực
nhất là ở Trung Đông, Châu Phi, cùng nhiều điểm nóng tiềm ẩn có thể bùng phát ở
các nơi khác trên thế giới. Chiến trường không còn giới hạn trong những vùng
chiến sự mà đã lan ra các thành phố, làng mạc, những khu vực tập trung đông dân
cư. Nguy cơ phổ biến và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt có nhiều diễn biến
phức tạp, cơ chế quốc tế kiểm soát vũ khí, chống phổ biến bị rạn nứt rõ rệt. Sự
phát triển của khoa học và công nghệ đang tạo ra những phương thức và công cụ
chiến tranh mới. Chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu đang ở mức cao nhất, và như
nhận định của Ngài Tổng Thư ký thì “chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc
chiến tranh lạnh mới”.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh chủ đề được Ngài Chủ tịch đề ra
cho Khóa họp năm nay là “Thúc đẩy các nỗ lực đa phương để xoá nghèo, thúc đẩy
giáo dục chất lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt
Nam. Quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam gắn liền
với sự tham gia của chúng tôi vào các thể chế đa phương khu vực và quốc tế. Sự
hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế đã giúp Việt Nam tái
thiết và phát triển đất nước sau hàng thập kỷ chiến tranh, xây dựng khuôn khổ
pháp luật, chính sách, đẩy mạnh hội nhập, đem lại những thành quả to lớn về
phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu. LHQ và
các thể chế đa phương cũng là những diễn đàn chính trị, khuôn khổ pháp lý quan
trọng để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới.
Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp xây dựng,
trách nhiệm trong các tiến trình đa phương. Cùng với các quốc gia ASEAN, Việt
Nam đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội trong duy trì hòa
bình, ổn định, an ninh và tăng cường phát triển, thịnh vượng trong khu vực Đông
Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ LHQ, các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham gia
các hoạt động gìn giữ hòa bình, những nhà ngoại giao, các chuyên gia Việt Nam
tham gia đóng góp xây dựng các nghị trình và chính sách của LHQ về phát triển
bền vững, về biển và đại dương, về phát triển xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền
con người.
Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 về phát
triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và đặc biệt là đã có
những bước đi cụ thể tiến tới chấm dứt việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào
năm 2025.
Vừa qua, Việt Nam vinh dự lần thứ hai được bầu làm ủy viên không thường
trực HĐBA LHQ. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành của Chính phủ và nhân dân
Việt Nam tới quý vị vì sự tín nhiệm và tin tưởng một lần nữa dành cho Việt Nam
với trọng trách này. Là thành viên HĐBA, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, hợp tác
với các thành viên LHQ vì hòa bình và phát triển bền vững.
Trước những thách thức to lớn hiện nay, chúng ta cần cùng nhau tăng
cường sức sống của chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hoạt động của Liên hợp quốc.
Trên tinh thần đó tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ về những giải pháp lớn nhằm
đạt mục tiêu đó..
Trước hết, cần tái khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật pháp
quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc xây dựng một trật tự thế giới dựa trên
luật lệ, thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia và tăng cường hợp tác đa phương.
Luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc
gia; bởi vậy, các nỗ lực đa phương cần dựa trên và hướng tới đảm bảo sự tôn
trọng đối với nền tảng này.
Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm
ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp,
xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hoà bình giải
quyết tranh chấp theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, từ thương lượng,
hoà giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế.
Chúng tôi kêu gọi việc dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh cấm vận đơn phương,
trái với luật pháp quốc tế, đang được áp đặt đối với Cuba.
Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc
tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương
của Biển và Đại dương”. Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý
nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình
Dương và trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có
nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức
tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán
tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên
quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình
và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa
bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thứ hai, cần tăng cường kết nối giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn
cầu và khu vực. Các hành động quốc tế chỉ có thể hiệu quả khi phù hợp với đặc
điểm lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, địa lý của từng khu vực,
quốc gia cụ thể. Bởi vậy, các tổ chức khu vực có thể phát huy vai trò định
hướng quan trọng, đồng thời bổ trợ hiệu quả cho các nỗ lực chung của LHQ. Việt
Nam hoan nghênh hợp tác, phối hợp giữa LHQ, nhất là HĐBA, với Liên minh châu
Phi, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Ả-rập trong nỗ lực ứng phó với các thách
thức an ninh ở châu Phi, Trung Đông.
Ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN là một thể chế khu vực được xây dựng trên cơ
sở “cam kết và trách nhiệm tập thể nhằm tăng cường hòa bình, an ninh và thịnh
vượng trong khu vực”. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, ASEAN giờ đây là hiện thân
của hoài bão lớn của các chính phủ và người dân trong khu vực về một Cộng đồng
gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ các trách nhiệm xã
hội. ASEAN cũng đã khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực
dựa trên luật lệ, tạo dựng các diễn đàn để các quốc gia trong và ngoài khu vực
cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác vì phát triển bền vững, vì hòa bình, ổn định ở
khu vực và trên thế giới.
Là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm
2020, Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia thành viên tăng cường sự phối hợp,
bổ trợ lẫn nhau giữa HĐBA với các tổ chức khu vực để cùng đóng góp vào nỗ lực
chung ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình bền vững.
Thứ ba, các nỗ lực đa phương cần coi con người là trung tâm. Hòa bình
bền vững là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và chỉ có thể đạt được
khi người dân được đảm bảo cơ bản về điều kiện sống, về an toàn, an ninh. Việt
Nam lên án các hành động tấn công dân thường cũng như những cơ sở hạ tầng thiết
yếu cho cuộc sống của người dân. Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ
lực thúc đẩy chương trình nghị sự của LHQ về phụ nữ, hoà bình và an ninh, trẻ
em trong xung đột vũ trang. Việt Nam ủng hộ Tuyên bố Trường học an toàn, cùng
nỗ lực bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi cũng sẽ
ưu tiên thúc đẩy các nỗ lực tái thiết hậu xung đột, nhất là khắc phục hậu quả
bom mìn, phục vụ người dân và quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở các quốc
gia.
Thứ tư, các thể chế đa phương cần tiếp tục được cải tổ mạnh mẽ để đáp
ứng những yêu cầu mới đặt ra, phục vụ tốt hơn lợi ích và tăng cường tiếng nói
và đóng góp của các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang phát triển ở
châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực cải tổ hệ
thống phát triển LHQ để tăng cường phối hợp và hiệu quả hoạt động, đồng thời
cần tăng cường tính làm chủ của mỗi quốc gia trong quá trình hợp tác, trong khi
huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và
cộng đồng người dân. Việt Nam sẽ cùng các thành viên HĐBA đóng góp tích cực vào
tiến trình cải cách phương pháp làm việc của HĐBA theo hướng tăng cường minh
bạch, dân chủ và hiệu quả.
Và cuối cùng, thưa Ngài Chủ tịch, cam kết chính trị mạnh mẽ của mỗi
chính phủ, mỗi nhà lãnh đạo có ý nghĩa then chốt đối với mọi nỗ lực tăng cường
chủ nghĩa đa phương. LHQ hay các thể chế đa phương chỉ có thể mạnh và hiệu quả,
giúp xử lý các thách thức toàn cầu, nếu từng quốc gia thành viên vượt qua những
lợi ích riêng, hướng tới các lợi ích chung rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế,
cam kết và thực sự đầu tư ý chí và nguồn lực cho những nỗ lực chung đó. Chỉ có
như vậy chúng ta mới có thể viết nên một trang mới trong lịch sử nhân loại với
những đường nét tươi sáng hơn, những đường nét của đối thoại và hợp tác, và
trên hết là của hòa bình và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn./.
Nguồn: BNG
bài phát biểu của cơ quan ngoại giao VN là hết sức đáng hoan nghênh bởi đây là lần đầu tiên chúng ta đưa vấn đề Biển Đông ra Quốc tế một cách đúng nghĩa và tại một diễn đàn có đầy đủ các thành viên của Liên Hợp Quốc. Có thể thấy, đây là bước đi quan trọng của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình trên biển Đông, thông qua sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để gây áp lực ngoại giao với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải rút khỏi biển Đông.
Trả lờiXóaBài phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rất hoan nghênh và được đánh giá cao trên trường quốc tế, nhân sự kiện này vấn đề biển động được đưa ra bàn luận và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cũng rất đáng mừng.
Trả lờiXóa