Trong
trận đấu với Thái Lan vừa diễn ra hôm 05/09, Công Phượng đã có một pha “sút
hụt” khiến cho chúng ta tiếc nuối. Nếu sút trúng tâm bóng, rất có thể chúng ta
đã rời khỏi Thái Lan với một chiến thắng tối thiểu. Một trong những nguyên nhân
chính yếu được chỉ ra rằng, Phượng có quá ít thời gian thi đấu chuyên nghiệp
trong thời gian vừa qua.
Trong 7 tháng vừa qua, số trận Phượng được chơi chính thức ở cấp câu lạc bộ chỉ
đếm trên đầu ngón tay. Từ Incheon đến STVV, từ Hàn Quốc đến Bỉ, chàng trai mang
tên một loài hoa nở rực rỡ mùa hè bôn ba khắp nơi, trong một bài chia sẻ hiếm
hoi, Phượng nói rằng: Em có khát khao ra bên ngoài.
Phượng từng là “mồi câu” của giới truyền thông. Báo chí, đi đầu là VTV, Tuổi
Trẻ và Thể Thao 24h, đã từng đánh tan tác Công Phượng với nghi án Phượng sinh
năm 1993 hay 1995. Cậu trai này lại tiếp tục dính vào câu chuyện với một nữ ca
sĩ. Sau một trận đấu tại giải vô địch quốc gia Việt Nam, một phóng viên cố tình
hỏi đến 3 lần về chuyện của Phượng và cô ca sĩ đó. Phượng, cậu trai mới qua tuổi
20 hồi đó, đã chịu những định kiến và búa rìu của truyền thông mà chưa có bất
cứ một trường hợp nào sánh bằng. Phượng đã đóng facebook, avatar tại trang cá
nhân của cậu ấy chỉ có tấm ảnh chụp hoàng hôn tại Hàm Rồng.
Trước khi Phượng ra nước ngoài, có lẽ em ấy hiểu rằng mình sẽ phải đối diện với
những thứ khó khăn ra sao. Những con người vĩ đại, họ sống bằng những quyết
định vĩ đại và có những cuộc đời vĩ đại. Phượng có thể không thành công trong
con đường đi ra nước ngoài, nhưng những gì Phượng đem lại, đó là việc truyền
cảm hứng dám trải nghiệm và dám khát khao cho các cầu thủ trẻ hơn. Đó còn là
phong cách chơi bóng, nhãn quan, trải nghiệm môi trường bóng đá tân tiến hơn để
đem về giúp cho đội tuyển Việt Nam. Nếu các bạn xem bóng đá đủ nhiều, trong 2 năm
qua, Phượng chưa bao giờ khiến chúng ta thấy thất vọng.
Sau Công Phượng, Văn Hậu tiếp bước con đường ra châu Âu, hậu vệ trái có thể coi
là xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cậu em còn rất trẻ và tương
lai còn rất nhiều. Mới đây, Hậu đã gây một cơn bão thực sự tại SC Heerenveen
khi em ấy chuyển sang đầu quân cho đội bóng này. Chỉ trong vòng 1 tuần, fanpage
chính thức của SC Heerenveen đã tăng từ 60 ngàn lên 330 ngàn lượt thích. Những
người Hà Lan bay, họ có nói rằng, trước khi Văn Hậu đến, chúng tôi không quan
tâm cậu ấy là ai vì những cầu thủ trẻ từ nơi khác đến đây là việc hết sức bình
thường.
Đúng đó là với điều hết sức bình thường tại Hà Lan nhưng lại là điều vô cùng
bất thường tại một quốc gia cách đó khoảng 8000km đường chim bay. Văn Hậu trở
thành cầu thủ thứ 2 của Việt Nam có hợp đồng tại một giải vô địch quốc gia
thuộc top châu Âu, cầu thủ đi trước là huyền thoại Lê Công Vinh. Nhưng cách mà
Văn Hậu đi, đúng như phong cách chuyển nhượng của bóng đá châu Âu: đặt vấn đề
-> thảo luận điều khoản hợp đồng -> khám sức khỏe -> đặt bút ký vào
hợp đồng -> ra mắt tại sân vận động và người hâm mộ.
Ông Cess Roozermond, giám đốc điều hành của SC Heerenveen nói rằng: "Tình
yêu bóng đá của đất nước này là vô giới hạn. Đó là đất nước có gần 100 triệu
dân và có nền kinh tế đang phát triển rất mạnh".
Nếu được hỏi rằng: Hậu có sợ ra nước ngoài không? Chắc chắn là không. Một cậu
em ở tuổi chưa đầy 20, đã thi đấu tại World Cup bóng đá trẻ, đã đứng Á quân
châu Á U23, đã vô địch Đông Nam Á, đã lọt vào tứ kết Asian Cup, vô địch V
League vài lần, thi đấu quen thuộc tại đấu trường AFC và là “khách quen” của
đội tuyển. Thì tuyệt nhiên không phải là hạng thường thường.
Ở bộ môn thể thao điện tử, có lẽ chúng ta biết đến cái tên Levi hay Sofm.
Sau khi thành công tại GAM Esports 2017, Levi lên đường đầu quân cho 100T
Acedemy với một bản hợp đồng chính thức, mức lương dự toán khoảng 120 ngàn USD
sau thuế. Lúc ấy, Levi được coi là tuyển thủ nổi tiếng nhất đang thi đấu tại
Việt Nam. “Kẻ hủy diệt khu rừng” quyết định đầu quân sang một đội tuyển tại Bắc
Mỹ với khát khao chinh phục phương trời xa hơn, nhưng Levi đã không thành công,
mặc dù đứng top 1 máy chủ thách đấu Bắc Mỹ, Levi vẫn “lạc trôi” trong những
trận đấu hiếm hoi được ra sân.
Và rồi, Levi sang LPL, giải vô địch Liên Minh Huyền Thoại của Trung Quốc trong
màu áo JDG và rồi, “thần rừng” của chúng ta đã vẫn trồi sụt mặc dù được tạo
điều kiện khá nhiều trong màu áo đội tuyển này. Sau LPL mùa Xuân, Levi quyết
định trở về Việt Nam với khát vọng mang GAM trở lại là một thế lực của VCS và
góp mặt một lần nữa tại một kỳ chung kết thế giới.
Và rồi, Levi và đồng đội đã giương cao huy hiệu bạc vô địch VCS. Tối hôm qua,
Levi cập nhật dòng trạng thái trên trang cá nhân: GAM is back.
Cậu trai ấy đã quay trở lại lúc đội tuyển xưa cũ cần nhất. Cậu trai ấy đã vượt
qua những định kiến 0% tỷ lệ thắng và sự chỉ trích cay nghiệt của nhiều người
hâm mộ. Họ từng nói rằng, đây không phải là thời của Levi nữa. Sau hơn một năm
trở về, gặp 2 trận thất bại nhanh chóng đầu mùa, người ta vẫn hoài nghi rằng
Levi 2019 có lẽ chỉ còn “hình nhân thế mạng” của Levi 2017.
Và rồi hình ảnh hôm qua đã chứng tỏ tất cả, Levi vẫn còn ấy, GAM đã hồi sinh và
tuyển thủ từng khiến Fnatic, WE, Team Liquid, KingZone DragonX... dành lời ngợi
khen đã quay trở lại. Tuyển thủ trẻ Kiaya đã khóc khi được người anh Levi
nhường cho vị trí vinh danh cầm chiếc cúp bạc trước hàng ngàn khán giả tại sân
thi đấu và hơn 200 ngàn khán giả theo dõi trực tiếp trên VETV.
Trong ngày hôm qua, còn có sự xuất hiện của một tuyển thủ khác, cũng được yêu
mến không kém: Sofm.
Thanh niên này từng lọt top 10 thách đấu Hàn, dành cho bạn nào chưa biết, thách
đấu Hàn quy tụ dàn tuyển thủ với chất lượng hàng đầu thế giới. Dopa, Faker,
PraY, GorillA, Ambition… từng nhầm Sofm thành tuyển thủ trình độ cao nhất của
Trung Quốc khi được hỏi.
Sofm là tuyển thủ có trình độ tốt nhất Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam từng sản
sinh ra. Sofm đã xuất ngọai thi đấu tại LPL được 3 năm, đầu tiên tại màu áo
Snake Esports, sau đó đổi tên thành LNG Esports vào đầu mùa hè vừa rồi. Sofm
từng gây tiếc nuối lớn cho người hâm mộ khi để thua trận đấu tranh suất cuối
cùng của LPL thi đấu CKTG vào năm 2016. Hôm ấy, thanh niên mới chỉ chạm tuổi 19
đã khóc rức và tay run lẩy bẩy khi thi đấu một lọat 2 trận BO5 “marathon” (Best
of 5, hay còn được gọi là 1 trận đấu quyết định bằng 5 game thi đấu).
Nhiều người hâm mộ tiếc nuối rằng, nếu Sofm về Việt Nam, Sofm chắc chắn sẽ được
đến với thế giới.
Trong mười tám nhà vô địch leo núi, chỉ có 3 người trở về làm việc tại Việt
Nam.
Họ có là nhân tài của Việt Nam không? Chắc chắn là có.
Nhưng nếu đặt câu hỏi rằng, Việt Nam có thực sự nên giữ họ ở lại không? Chưa
chắc câu trả lời đã là có.
Levi, Sofm, Công Phượng, Văn Hậu… đều là những nhân tài của Việt Nam. Nhưng,
chúng ta vẫn muốn họ ra đi.
Việt Nam không phải là một quốc gia phát triển, giữ những người này ở lại, sẽ
là một sự phí phạm, họ xứng đáng với những nơi cao hơn và xa hơn. Chúng ta
không thể trực tiếp giúp họ được nữa nhưng vẫn luôn đứng từ sau ủng hộ. Chúng
ta chấp nhận đóng vai trò là một kẻ cứu rỗi, nếu họ thất bại hay khó khăn, họ
luôn có con đường để về.
Phượng có thể vô danh ở Bỉ, nhưng ở Việt Nam, cậu ấy là một thần tượng, là
nguồn cảm hứng. Văn Hậu chưa chắc đã thành công tại giải vô địch quốc gia Hà
Lan, nhưng khi về tuyển, chắc chắn cậu ấy vẫn là một tuyển thủ quốc gia. Levi
từng ngụp lặn không thành tích ở Mỹ, nhưng giờ cậu ấy đã đường hoàng đi ra với
thế giới, Sofm thi đấu ở Trung Quốc nhưng vẫn được mời về tham gia Allstar Việt
Nam.
Việt Nam luôn có chỗ cho những con người hướng về Tổ Quốc.
Một bạn du học sinh Anh từng bình luận rằng: Thật dễ để yêu những thứ mới lạ,
không trách được những người yêu nước bạn hơn, vì trong thế giới mở, tư duy mọi
người thoáng hơn, nên họ chọn cách sống nào mà họ nghĩ là thoải mái phù hợp với
họ. Đó là một nhu cầu chính đáng. Còn đợt vừa rồi về tâm sự với cô giáo em, cô
bảo em rằng tình yêu nước cũng là một loại tình yêu, mà tình yêu là duyên số và
định mệnh.
Năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục thành công kỹ sư Trần Đại Nghĩa,
kỹ sư Võ Quý Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước từ Pháp trở về Việt Nam và tham gia
Việt Minh. So với Pháp, Việt Nam lúc ấy chỉ có chiến tranh, đói nghèo, bom đạn,
thậm chí người dân Việt Nam lúc ấy còn đòi kém. Nhưng họ vẫn chọn về phụng sự
Tổ Quốc.
Martin Lò, Filip Nguyen, Alexander Dang, những tuyển thủ này đều muốn về Việt
Nam và khoác áo đội tuyển. Đến như Hoàng Vũ Samson, một anh da đen chính hiệu,
cũng làm clip hát quốc ca, mặc áo đội tuyển và bày tỏ ý định phục vụ Tổ Quốc.
Jason Quang-Vinh Pendant, tuyển thi đấu ở Ligue 2 trong màu áo
Sochaux-Montbéliard vẫn để lá quốc kỳ Việt trong dòng mô tả. Anh ấy nói rằng:
"Việt Nam là một phần trong tôi. Ngày nào đó, nếu ĐT Việt Nam ngỏ lời,
chắc chắn tôi sẽ phải cân nhắc cẩn thận. Đó thực sự là một niềm tự hào
lớn".
Giáo sư Vũ Hà Văn, đang công tác tại Yale, đã trở về Việt Nam, ông trở thành
Giám đốc khoa học Viện Big Data. Hay như tiến sĩ Bùi Hải Hưng, cũng đã trở về
Việt Nam đầu quân cho Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI – VinAI Research. Cả
hai viện này đều thuộc VinTech, một đơn vị con của Vingroup.
Các bạn có biết đến B Ray không? Thanh niên này từng chửi cộng sản như được mùa
nhưng vẫn trở về Việt Nam và đã “quàng khăn quàng đỏ”. Nếu Việt Nam hậm hực thì
bây giờ, sẽ chả có cái tên B Ray trong showbiz Việt. Rồi rất nhiều những nghệ
sĩ hải ngoại khác, họ đang dần trở về Việt Nam và họ luôn sẵn sàng được tạo
điều kiện. MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, vốn là con của phó tổng thống Việt Nam Cộng
Hòa Nguyễn Cao Kỳ đã trở về Việt Nam hoạt động, bà còn từng tham gia Shark Tank
Việt Nam để gọi vốn.
Hay như Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, Victor Vũ, Charlie Nguyễn… đã trở về
Việt Nam và họ đã góp phần khiến cho nền điện ảnh Việt Nam lột xác. Hay như
Trần Hùng John, thanh niên này đã có một hành trình đi bộ xuyên Việt để tìm lại
phần “Việt” trong một người Mỹ. Hắn đã kể lại hành trình của hắn qua tác phẩm
“John đi tìm Hùng” được xuất bản cách đây mấy năm.
Đơn giản hơn, Huyme, Jv, Toàn Shinoda… cũng đều là những du học sinh cả và họ
cũng đều chọn con đường về Việt Nam.
Những nhà vô địch đường lên đỉnh leo núi của chúng ta. Các bạn ấy đã chọn con
đường, theo mình nghĩ là hoàn toàn tốt đẹp và không có gì để chê trách. Úc vốn
là một quốc gia phát triển, phúc lợi tốt và họ ở lại đó đều không sai. Nhưng,
đó không phải là lý do để chúng ta nói rằng, Việt Nam là một nơi đen tối và kém
cỏi hay Việt Nam không trọng dụng nhân tài.
Các em học sinh ở những cuộc thi tuần, thi tháng, thi quý và 3 em còn lại trong
trận chung kết, các em ấy phần lớn vẫn sẽ ở lại Việt Nam và rõ ràng, đây là
những người mà chúng ta cần và nuôi dưỡng. Mất đi 1 nhân tài không có nghĩa là
chúng ta mất tất.
Những nhà leo núi ấy, họ có cuộc sống bình thường ở bên nước bạn. Họ chỉ là
những con người bình thường giữa bao người, thậm chí có những nhà leo núi chỉ
làm những công việc hành chính, giảng dạy, mình thấy hơi tiếc cho họ, họ chọn
cách an nhiên hơi sớm, họ từng vượt qua rất nhiều người để rồi lại chọn một
cuộc sống như bao người khác. Nhưng nếu giả sử họ về Việt Nam, họ hoàn toàn có
cơ hội để trở thành những người con thành công hơn của đất nước vĩ đại này.
Shark Dũng, cũng là một du học sinh trở về nước đấy thôi. Hay nói một ví dụ
siêu to hơn nhé, tỷ phú Vượng, tỷ phú Thảo cũng là những du học sinh ấy thôi.
Nếu các bạn xem Shark Tank Việt Nam, sẽ thấy rất nhiều du học sinh trở về nước,
lập startup, mở công ty. Họ góp phần làm gia tăng miếng bánh GDP của Việt Nam,
đem những gì ở nước bạn về giúp ích cho nước mình. Tại sao cứ phải lo sợ về gần
20 chục nhà leo núi sẽ đi học tại Úc và ở lại Úc?
Đừng có đổ lỗi cho con ông cháu cha hay quan hệ, điều đó chỉ cho biết rằng bạn
là một kẻ thất bại.
Việt Nam dành cho tất cả chúng ta.
Tất cả chúng ta đều là những con người mà Việt Nam cần có, dù chúng ta có xuất
phát điểm bình thường hay đã là những thiên tài, chọn đi hay ở, sống ở đâu là
quyền của mỗi người. Việt Nam không giữ được nhưng sẽ luôn là một nơi để tất cả
chúng ta có thể về và tìm bình yên. Việt Nam đang phát triển và có vô cùng
nhiều cơ hội, sống và trải nghiệm ở bất cứ nơi đâu, cũng hãy hướng về đất nước
này. Gửi đến những người Việt ở nước ngoài, hãy tin rằng tất cả những con người
đang làm việc, sinh sống, cống hiến ở tại Việt Nam đang phấn đấu hết sức để đưa
Việt Nam vĩ đại thêm một lần nữa. Để một lúc nào đó, các bạn có thể về, cùng
với con cháu, nói rằng tự hào đã là một người con của Việt Nam.
Chúng tôi sẽ khiến những người đã rời bỏ sau đó quay miệng lại xúc phạm đất
nước này phải hối tiếc.
Nguồn: Vietnam Projects
Construction
Các cầu thủ và Các em học sinh ở những cuộc thi tuần, thi tháng, thi quý và 3 em còn lại trong trận chung kết, các em ấy phần lớn vẫn sẽ ở lại Việt Nam và rõ ràng, đây là những người mà chúng ta cần và nuôi dưỡng. Mất đi 1 nhân tài không có nghĩa là chúng ta mất tất, dù ở đâu hay ở phương diện nào, luôn hướng về tổ quốc thì chẳng nhẽ chúng ta có những người phục vụ cho tổ quốc đó hay sao.
Trả lờiXóa