Ở nước ta, Phật giáo là
một tôn giáo được biết sớm nhất, đã hơn 2.000 năm nay, với việc tu tập gần gũi
với thiên nhiên, với đại chúng, đời sống tu hành đơn sơ, mộc mạc, giản dị, Phật
giáo dễ đi vào cuộc sống của quảng đại cư dân. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu
sắc Việt Nam rõ rệt đã dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà đề hoằng
dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo một đạo Phật rất Việt Nam gắn bó mật
thiết, không thể phân ly trong lòng dân tộc, do sự tương đồng giữa giáo lý “từ
bi - hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn” của Đức Như Lai với tư tưởng, tình cảm và
truyền thống nhân văn của người Việt Nam nên đạo Phật đã ăn sâu bám rễ trong
tâm tư, tình cảm, lối sống, đạo đức của đông đảo người Việt, luôn gắn bó, đồng
cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.
Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng
đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ đã mời Thiền sư Ngô Châu Lưu
làm cố vấn trong công việc trị quốc. Để tỏ niềm tôn kính và đánh giá đúng công
lao, vua đã ban hiệu “Khuông Việt Đại Sư” cho ngài. Hình ảnh Thiền sư Đỗ Pháp
Thuận cải dạng thành người lái đò để tiếp sứ thần nhà Tống thật khó phai mờ
trong lòng người hậu thế, một hình ảnh đẹp, một sự hy sinh lớn, một minh chứng
cho tấm lòng vì nước, vì dân. Thời nhà Lý cũng đã có nhiều bậc cao tăng đứng ra
cùng vua chung lo gánh vác việc nước như Thiền sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông
Biện, Viên Thông, Không Lộ… Đặc biệt, mỗi lần lật lại trang sử vẻ vang của thời
Trần, chúng ta thật cảm động và khâm phục các vua Trần đã đoàn kết toàn dân, vua
tôi hòa hợp, quyết tâm bảo vệ giang sơn cẩm tú, ba lần đánh tan quân Nguyên xâm
lược. Một Trần Thái Tông anh minh và đức hạnh, hành xử viên dung cả đời lẫn
đạo; một Tuệ Trung Thượng Sĩ với tâm hồn siêu thoát đã hòa mình trong cuộc đời
và đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, đồng
thời là người khai sáng phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, thiền phái mang đậm sắc của
Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị vua, quan thời Lý, thời Trần am hiểu sâu sắc Phật
pháp, đã chuyển hóa tư tưởng, triết lý sống của Phật giáo để dựng đạo, xây đời
tốt đẹp. Đạo Phật trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phong
phú, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam; sau lũy tre làng luôn ẩn hiện những
ngôi chùa vừa uy nghiêm, vừa gần gũi, một hiện hữu không thể thiếu trong cộng
đồng làng xã Việt Nam.
Trước Cách mạng Tháng
Tám, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Phật giáo Việt Nam lại
tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, hòa mình và gắn bó chặt chẽ với dân
tộc. Nhiều ngôi chùa là cơ sở của cách mạng, nuôi giấu cán bộ, nơi tổ chức hội
họp bí mật, cất trữ vũ khí, biến thành trường học, nơi cứu tế người nghèo;
nhiều tăng, ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, trực tiếp tham gia hoạt động cách
mạng như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích
Thiện Hào… Trong lúc đất nước lâm nguy, Hòa thượng Thích Thế Long ở chùa Cổ Lễ
(Nam Định) đã một lúc làm lễ “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” cho 27 vị tu sĩ
Phật giáo trở thành những chiến sĩ cách mạng. Tháng 6-1963, Bồ tát Thích Quảng
Đức đã tự thiêu cùng với sự hy sinh phi danh lợi của tăng, ni và phật tử miền
Nam, miền Trung chống độc tài, áp bức, đòi tự do tôn giáo, độc lập dân tộc.
Hành động vô úy của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rung chuyển lương tâm của
loài người tiến bộ, thức tỉnh lòng người ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã viết về sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức: Vị Pháp thiêu
thân, vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt/ Lưu danh thiên cổ, bách niên chính khí
rạng sơn hà. Hình ảnh các vị cao tăng đáp ứng tiếng gọi thiêng liêng của Đảng,
của Bác Hồ kính yêu, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, sát cánh cùng toàn
dân đánh giặc, cứu nước đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc. Toàn thể tăng, ni
và đồng bào phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác Hồ, nhận thức rằng
“lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng
dân tộc, do Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Trong lao động sản
xuất, thực hiện nếp sống đạo đức văn hóa, nhiều quý vị tăng, ni, phật tử đã trở
thành những người tiêu biểu, gương mẫu, làm chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại
đoàn kết toàn dân… Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của
Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Sự đóng góp của Phật giáo
Việt Nam đối với dân tộc đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận và được Đảng, Nhà
nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhà nước đã công nhận 257 chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia và có nhiều con
đường ở các tỉnh, thành phố được mang tên các vị cao tăng có nhiều đóng góp cho
Đạo pháp - Dân tộc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Khuông Việt, Sư Liễu Quán,
Sư Thiện Chiếu, Bồ tát Thích Quảng Đức... Đảng và Nhà nước cũng đã trao tặng
nhiều danh hiệu cao quý cho nhiều vị cao tăng của Giáo hội, như Hòa thượng
Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa
thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu...
đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều vị cao tăng khác đã được
Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng nhiều huân chương, huy
chương, kỷ niệm chương cao quý vì đã có nhiều cống hiến, đóng góp xây dựng khối
đại đoàn kết toàn dân tộc
Mã
Phi Long sưu tập
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét