Chúng ta đang sống trong những ngày toàn dân được vận động đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để tiến tới một Hiến pháp mới thích hợp hơn với giai đoạn lịch sử mới.
Đây là một cuộc sinh hoạt chính trị quan trọng sâu rộng.
Nói sâu là bởi nó tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, đề cập đến mọi phương diện của đời sống xã hội, nhằm đưa nhân dân ta, đất nước sang một giai đoạn phát triển mới. Nói rộng bởi đây là một cuộc vận động đóng góp ý kiến của toàn dân, thuộc dân tộc đa số cũng như dân tộc thiểu số, bao gồm những người lao động chân tay cũng như lao động trí óc, bao gồm mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước, ai cũng có dịp để nêu ý kiến nguyện vọng xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất trong toàn vẹn lãnh thổ mà mọi người cùng có quyền tự do, bình đẳng, quyền được sống ổn định và hạnh phúc, cùng được hưởng những thành quả lao động và văn minh, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với đất nước.
Người dân thường cũng như nhà luật học, nhà kinh tế cũng như nhà văn hóa, đều đã có trong tay một bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm cơ sở nêu lên những ý kiến và nguyện vọng của riêng mình, những ý kiến chân thành và có trách nhiệm đối với Tổ quốc và nhân dân.
Với tinh thần thực sự cầu thị, đọc từng khoản một trong Dự thảo, mỗi người sẽ suy ngẫm, sẽ đối chiếu với những hiểu biết thực tế của mình để đưa ra những ý kiến xây dựng.
Đọc Điều 4, một điều rất quan trọng, trước đây chỉ được lĩnh hội một nội hàm chung chung làĐảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cầm quyền. Nay Điều 4 đã được khái niệm cụ thể trong 3 khoản (khoản 1, khoản 2, khoản 3) quy định Đảng phải nằm trong nhân dân, Đảng lãnh đạo là lãnh đạo đường lối chứ không phải đứng trên nhân dân. Đảng chịu trách nhiệm trước dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng và các đảng viên phải hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
Ba khoản ghi trong Dự thảo như trên, rõ ràng không thể nào bị xuyên tạc rằng đây là chế độ Đảng trị được. Ngay đến các nhà luật học ở bất cứ đâu, bất cứ nước nào, cũng phải thừa nhận rằng ba khoản như trên là thuộc về tiêu chí của một thể chế nhà nước pháp quyền.
Đọc toàn thể các điều khoản của Dự thảo, người ta càng thấy rõ thêm rằng các quyền con người và quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Quyền dân chủ của dân được thể hiện không chỉ một cách gián tiếp (qua các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân) mà còn được vận dụng trực tiếp bằng con đường trưng cầu dân ý, quyền phúc quyết của nhân dân về những vấn đề hệ trọng quốc gia đại sự. Nhất là quyền bãi bỏ những quyết định, nghị quyết và hành động vi phạm Hiến pháp (nếu có) của Quốc hội.
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan công quyền thể hiện đúng nguyên tắc “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.
Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một tiến bộ quan trọng trong thể chế mới. Dù gọi là Hội đồng hay Toà án Hiến pháp hay Pháp viện Tối cao thì chức năng của cơ quan này cũng là một cơ quan tối cao, không chỉ có nhiệm vụ vụ rà soát những văn bản dưới luật (như trước đây đã giao cho một bộ là Bộ Tư pháp) mà cơ quan mới này còn có quyền nhân danh pháp luật để bác bỏ những hành động của bất cứ ai, bất cứ cấp nào vi phạm Hiến pháp. Dự thảo đưa ra quyết định thành lập cơ quan này là một bảo đảm rất đáng hoan nghênh của sự hình thành một chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ và tiến bộ. Có thế, nước ta mới có một thể chế chính trị vững mạnh.
Chính phủ sẽ là một bộ máy hoạt động mạnh mẽ, có hiệu quả, nếu giải quyết được tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, tình trạng kế hoạch nhà nước không thể được thực thi thống nhất, nếu có sự quy hoạch tự tiện và tự phát của địa phương, như tỉnh nào cũng lấy đất làm hàng chục sân golf, phá rừng làm hàng chục, hàng trăm thuỷ điện nhỏ, băm nát bản đồ của Trung ương quy hoạch kinh tế vùng, để bảo đảm một sự phát triển của toàn thể lãnh thổ đất nước.
Bởi vậy Hiến pháp cần có một điều khoản xác định: “Chính quyền ta là một chính quyền tập trung, việc quản lý theo ngành vẫn được để cao và tôn trọng; việc phân cấp quản lý không chấp nhận việc phân cấp theo lãnh thổ để tự quản theo quyền riêng của địa phương”.
Có như thế nước ta mới có một chính quyền mạnh và sáng suốt, để nhanh chóng đưa toàn quốc phát triển hợp lý, theo một kế hoạch và một quy hoạch vĩ mô, không tản mát, rời rạc.
Quyền sở hữu toàn dân về đất đai cần được ghi trong Hiến pháp như một quyền sở hữu được sử dụng của người được giao đất mà nó chỉ bị thu hồi, bồi thường về nhu cầu lợi ích an ninh quốc phòng, còn các trường hợp dự án khác nếu được phép thì phải áp dụng quy chế trưng mua, được người đang sử dụng thoả thuận một cách bình đẳng, không có sự áp đặt, để bảo đảm an sinh xã hội và quyền sống có đất của người làm nghề nông.
Trần Thái Bình
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét