Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, đến nay đã nhận được báo cáo của 63 tỉnh, thành và 30 bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ. Theo thống kê ban đầu, gần 15 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân vào tất cả các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Có 4 chương được nhân dân đặc biệt quan tâm, gồm: Chương 2 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có 1,9 triệu lượt người dân cho ý kiến; Chương 1 về Chế độ chính trị có 1,8 triệu lượt ý kiến; Chương 3 về Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường có 1,9 triệu lượt ý kiến; Chương 5 về Quốc hội có 1,5 triệu lượt ý kiến. Đối với các chương khác, đều có hàng triệu ý kiến người dân tham gia đóng góp.
PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cho biết, kiều bào ta cũng như học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài cũng quan tâm đến hầu hết các nội dung trong Dự thảo và biểu thị sự đồng tình cao với các nội dung này. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm tới một số nội dung như: việc thể chế, hiến định hóa vị trí, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong Hiến pháp; phát huy những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo điều kiện cho kiều bào tiếp tục giữ mối liên hệ mật thiết với người dân trong nước và gìn giữ, phát huy được truyền thống, bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, việc tổ chức lấy ý kiến đều được các cơ quan, tổ chức, địa phương xác định là nhiệm vụ ưu tiên, là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị và đã được triển khai một cách khẩn trương, đồng bộ, rộng khắp, đúng tiến độ theo yêu cầu đặt ra trong Kế hoạch.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng chỉ đạo các địa phương in, gửi tài liệu về Hiến pháp kèm theo Phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để từng người dân tham gia ý kiến.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chức lấy ý kiến ở chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, các chi hội cơ sở, khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... với quy mô, thành phần mở rộng; lựa chọn nội dung cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng để việc góp ý được tập trung, có chất lượng.
Đặc biệt, cần lưu ý, sau ngày 31/3/2013, nhân dân vẫn có thể tiếp tục đóng góp ý kiến cho đến khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các vị khách mời đã trực tiếp giải đáp các nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc như: Kết quả triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nội dung nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước; vai trò của lực lượng vũ trang; vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam; các quy định về quyền con người và các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân...
Buổi giao lưu trực tuyến góp phần làm cho người dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc xây dựng và hoàn thiện đạo luật gốc của quốc gia.
Toàn Thắng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét