Dư luận hiện đang quan tâm tới việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đặc biệt là việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong việc trưng cầu rộng rãi ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đã xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh việc sửa đổi Điều 4 `Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trải qua hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa vị thế của nước ta ngang tầm với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Với bản lĩnh của một Đảng chính trị dày dạn, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, động viên và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giành được những thắng lợi vĩ đại.
Đối với nhân dân Việt Nam, nói đến Đảng là nói đến công lao to lớn của Hồ Chủ tịch, người sáng lập ra Đảng, với tình cảm tự nhiên, thiêng liêng, với niềm tin và tình yêu của nhân dân dành cho Đảng. Có một sự thật mà mọi người Việt Nam ai cũng biết, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 26 năm đổi mới vừa là minh chứng thực tiễn sinh động, vừa là cơ sở khoa học thực tiễn để khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng định rất rõ ràng rằng, cách mệnh “ trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tập 2, tr267-268 ).
Quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, dưới ánh sáng tư tưởng Mác- Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trở thành nhân tố chủ yếu đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sở dĩ, Đảng có vinh dự giữ trọng trách to lớn đó là bởi mục đích của Đảng không có gì khác là “lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản” (Sđd tập 3, tr5). Vì vậy, “ Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Sđd, tập 5, tr 249) và “Đảng ta chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, không còn có lợi ích nào khác”. Do đó, Đảng được “dân tin, dân phục, dân yêu”.
Trong “Sách lược vắn tắt của Đảng”, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”.
Cùng với quá trình phát triển với nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng vẫn không hề thay đổi. Trong xu thế mới của đất nước và thời đại hiện nay đã và đang đặt ra cho vai trò lãnh đạo của Đảng những nhiệm vụ mới. Đó là lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đưa đất nước vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mở cửa, lãnh đạo thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đây vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn là lực lượng chính trị duy nhất khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Điều 4, Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục được khẳng định trong nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất quan trọng và cần thiết.
Với vai trò là một Đảng cầm quyền, Đảng ta đang đứng trước những thử thách lớn: Một là, tăng cường hơn nữa niềm tin của dân vào Đảng. Muốn thế, không còn cách nào khác Đảng phải tự làm trong sạch mình, tự mình trau dồi bản lĩnh, trí tuệ của mình bằng cách tăng cường mối liên hệ mật thiết với dân, xứng đáng hơn nữa “là người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân. Hai là, mở rộng đối ngoại đa phương với phương châm Việt Nam là bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lợi ích, tôn trọng độc lập tự chủ của các bên. Ba là, không được một phút lơ là mất cảnh giác mà phải luôn mài sắc tinh thần chủ động chống lại sự can thiệp từ bên ngoài và trấn áp các phần tử đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Tất cả những lập luận trên chỉ để chứng minh rằng, không một thế lực nào, một đảng phái nào làm thay được vai trò lịch sử của Đảng ta.
Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam
Điều 4, Hiến pháp năm 1980 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lê-nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Kế thừa tinh thần đó, Điều 4, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trên cơ sở Điều 4, Hiến pháp năm 1992, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Chúng ta biết rằng, Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc, thể hiện quyền lực của nhân dân. Như Bác Hồ đã nói, Đảng ta là Đảng cầm quyền, là lực lượng chính trị duy nhất giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, có vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua. Có thể khẳng định rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề có tính nguyên tắc của cách mạng Việt Nam.
Việc tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội là đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra. Phải phòng và chống những nguy cơ, suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên và như vậy càng cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi.
Khoản 3 của Điều 4 “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” chưa thể hiện được bổn phận rất lớn của đảng cầm quyền. Mặt khác, các tổ chức đảng, đảng viên hay bất kỳ tổ chức trong nước hay ngoài nước, mọi người dân dù là Việt Nam hay nước ngoài hoạt động, sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam thì đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Do đó, nên chăng cần bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn để chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cần được đảm bảo bằng pháp luật và do luật định. Cần ghi rõ là “vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”. Như vậy, sẽ có giá trị về mặt pháp lý cho sự lãnh đạo của Đảng và sự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của các tổ chức của Đảng và Đảng viên.
Thêm vào đó, cũng cần bổ sung quy định nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình với Đảng theo luật giám sát và phản biện xã hội. Bởi Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Do đó, cần bổ sung là: “Nhân dân thực hiện sự giám sát của mình đối với Đảng theo quy định về giám sát xã hội và phản biện xã hội”.
Có thể thấy, việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.
Trong tình hình hiện nay, đường lối của cách mạng Việt Nam là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, thực hiện mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quá trình hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam luôn cần thiết có Đảng lãnh đạo.
Theo Hồ Chí Minh “Nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì khó có ai tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc thì càng dễ có sai lầm, khuyết điểm nhiều hơn. Điều quan trọng là ở chỗ có dám tìm ra khuyết điểm để sữa chữa hay không. Theo Bác: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Việc nhiều lần Đảng ta tự chỉnh đốn, mà gần đây nhất là đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” bước đầu mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương công khai thừa nhận và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng và về những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó đã thể hiện tinh thần cầu thị nghiêm túc của Đảng, đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm đẩy lùi những khuyết điểm, yếu kém để Đảng không ngừng nâng cao sức chiến đấu, phẩm chất, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, ngày càng ngang tầm với trọng trách được giao. Như thế Đảng ta là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính thì cần phải được khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi../.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến
Uỷ viên BTV - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét