Ngày 29/4/2017, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các Hội
nghị có liên quan đã được khai mạc tại Manila, Philippines với sự tham dự của
các nguyên thủ và những người đứng đầu chính phủ 10 nước thành viên ASEAN.
Trước đó, hàng loạt các cuộc họp cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Ngoại giao đã được
tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị này. Theo Hiến chương ASEAN, mỗi năm ASEAN tổ
chức 2 Hội nghị cấp cao và Hội nghị này được coi là Hội nghị Cấp cao nội khối
và Hội nghị Cấp cao tổ chức vào tháng 11 sắp tới là Hội nghị giữa ASEAN và các
nước đối tác hợp tác của ASEAN.
Ông Enrique Manalo giữ quyền Bộ trưởng Ngoại giao thay cho
ông Perfecto Yasay - Ảnh: AFP
Cũng như các Hội nghị trước đó, Biển Đông luôn là một chủ đề
thu hút được sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là trong bối
cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến mới, nhanh và khó
lường. Đặc biệt, Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục
tăng cường việc hoàn thiện và bố trí các công trình, phương tiện không chỉ ở
trên 7 đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa mà còn công khai
hóa việc quân sự hóa tại đây. Phát biểu tại chuyến thăm Australia và New
Zealand hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công khai
khẳng định việc Trung Quốc có triển khai và lắp đặt một số thiết bị quân sự tại
Hoàng Sa và Trường Sa, song nhằm mục đích “bảo vệ tự do hàng hải và hàng không
ở khu vực”. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cải thiện mạnh quan hệ với Philippines
trên nhiều lĩnh vực và Philippines ngày càng “xa rời” đồng minh lâu đời là Mỹ,
chính sách Châu Á và Biển Đông của chính quyền Tổng thống Trump chưa rõ ràng
khiến cho các nước trong và ngoài khu vực lo lắng về tương lai nội dung Biển
Đông được đề cập trong Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post
ngày 25/4/2017, Quyền Ngoại trưởng Philippines, ông Enrique Manalo cho
biết vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao 30,
song “việc thảo luận về vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Philippines-
Trung Quốc”.
Tiếp đó, ngày 27/4/2017, phát biểu với báo chí sau cuộc hội
đàm với Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah, người đang có chuyến
thăm chính thức Philippines nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao 30, Tổng thống
Philippines Rodrigo Duterte cho rằng việc thảo luận về các hoạt động gây tranh
cãi và trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô nghĩa” và “không ai dám gây
sức ép lên Trung Quốc”. Chính vì lẽ đó, dư luận đã bắt đầu nghĩ tới việc nội
dung về Biển Đông trong Tuyên bố Chủ tịch sẽ được thể hiện một cách mềm mỏng
hơn, các nội dung như việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép và quân sự
hóa sẽ khó có thể được đưa vào Tuyên bố.
Không nằm ngoài dự đoán đó, các nội dung liên quan đến Phán
quyết trọng tài ngày 12/7/2016, viêc bồi đắp và quân sự hóa là những nội dung
tranh cãi và được thảo luận nhiều nhất.
Kịch tính diễn ra trong ngày 29/4/2017, khi các nước ASEAN
thảo luận về nội dung Biển Đông trong Tuyên bố Chủ tịch. Theo một Dự thảo Tuyên
bố Chủ tịch mà phóng viên Reuters và AFP có được thì nội dung về vấn đề tình
hình Biển Đông, đặc biệt là hoạt động bồi đắp và quân sự hóa được thể hiện
tương đối mạnh mẽ, cụ thể là “Chúng tôi ghi nhận mối quan ngại sâu sắc của một
số Nhà lãnh đạo về các phát triển và việc gia tăng các hoạt động gần đây trong
khu vực có thể dẫn đến việc gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, sự tin cậy
trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường lòng
tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong triển khai các hoạt
động, tránh các hoạt động như việc bồi đắp và quân sự hóa có thể dẫn làm phức
tạp tình hình và theo đuổi việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp
hòa bình, không viện dẫn đến việc sử dụng vũ lực đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp
với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận chung, bao gồm Công ước Luật
biển 1982”.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 30/4/2017, khi Tuyên bố này được
công bố công khai, nội dung như Dự thảo ở trên đã được chỉnh sửa khá nhiều, chỉ
còn “Chúng tôi ghi nhận mối quan tâm của một số Nhà lãnh đạo về các phát triển
gần đây trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng
cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong triển khai
các hoạt động, tránh các hoạt động làm phức tạp tình hình và theo đuổi việc
giải quyết hòa bình các tranh không viện dẫn đến việc sử dụng vũ lực đe dọa sử
dụng vũ lực.”
Theo phóng viên Reuters thì đã có 4 nước thành viên ASEAN
phản đối việc không ghi nhận nội dung về việc bồi đắp và quân sự hóa vào trong
Tuyên bố chung. Chính vì lẽ đó, 6 tiếng sau khi Hội nghị kết thúc, nội dung Tuyên
bố vẫn chưa được công bố .
Ngay trong ngày 29/4/2017, trong quá trình thảo luận về
tuyên bố đã có 2 quan chức ngoại giao của ASEAN nói với phóng viên quốc tế là
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã tìm cách tác động đến nội dung Tuyên
bố Chủ tịch. Theo các nguồn tin này, phía Đại sứ quán Trung Quốc đã tìm cách
lobby phía Philippines để bỏ qua các nội dung như xây dựng, bổi đắp trái phép
đảo nhân tạo và quân sự hóa. Một nguồn tin khác cho AFP biết “hoạt động lobby
của Trung Quốc diễn ra một cách quyết liệt. Trung Quốc muốn làm chìm vấn đề
này”. Cũng theo AFP, trong suốt tuần qua, Trung Quốc đã gia tăng việc lobby
Philippines để loại bỏ các từ ngữ và nội dung đề cập tới luật pháp quốc tế.
Nhận định về việc Philippines đã bỏ qua một số nội dung quan
trọng như Phán quyết, tiến trình ngoại giao pháp lý, việc bồi đắp và quân sự
hóa trong Tuyên bố Chủ tịch, Giáo sư Carlyle Alan Thayer cho rằng Tổng thống
Duterte đã “đóng góp vào việc làm yếu luật pháp quốc tế do việc bỏ quan vấn đề
này”.
Kết quả Hội nghị một lần nữa cho thấy, Trung Quốc tiếp tục
gây chia rẽ và can thiệp thô bạo vào các vấn đề của ASEAN, nhất là các vấn đề
có liên quan đến Biển Đông.
Nhìn lại quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trong giai
đoạn vừa qua, có thể thấy rõ chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc đối với
Philippines khi nước này trong quá trình chuẩn bị cũng như đảm nhiệm cương vị
Chủ tịch ASEAN năm 2017.
Chắc người đọc chưa quên thất bại nặng nề của Trung Quốc
trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trước Tòa trọng tài với
Phán quyết được đưa ra ngày 12/7/2016. Thấy bại này lại diễn ra vào năm trước
của năm mà nước thắng kiện Trung Quốc, Philippines sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ
tịch ASEAN 2017. Điều chắc chắn có thể khẳng định được là Trung Quốc sẽ gặp khó
khăn nhiều hơn về mặt đối ngoại nếu Philippines vẫn tiếp tục giữ quan điểm lâu
nay về vấn đề Biển Đông và khai thác kết quả vụ kiện, dù chỉ là ở khía cạnh
quan điểm, lập trường. Bởi vậy, Trung Quốc bằng mọi cách phải điều chỉnh quan
hệ với Philippines và cơ hội vàng đã đến với Trung Quốc, đó là vào chính thời
điểm đó, Philippines có Tổng thống mới, một người có quá ít kinh nghiệm đối
ngoại, nặng về dân túy với nhiều phát biểu gây tranh cãi.
Tranh thủ thời cơ này, nắm được các đặc điểm cá nhân và nhu
cầu của Tổng thống Duterte, nhất là nhu cầu về giải quyết các khó khăn kinh tế
trong nước và sự ủng hộ trong cuộc chiến chống nạn ma túy vốn chẳng những không
nhận được sự ủng hộ mà còn bị các nước phương Tây và Mỹ lên án, chỉ trích,
Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh khoảng trống, chìa cành ô liu cho Tổng
thống Duterte. Với một người ít kinh nghiệm như Tổng thống Duterte, việc nhanh
chóng rơi vào “cái bẫy ngọt ngào” của Trung Quốc là điều dễ hiểu, theo đó, quan
hệ giữa 2 nước có bước cải thiện mạnh.
Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng với Philippines và
Tổng thống Duterte thông qua 3 phương diện:
- Về mặt kinh tế, nhân các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng
thống Philippines Duterte tháng 10/2016 và chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung
Quốc Uông Dương tháng 3/2017 và trước đó của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc,
hàng loạt các Hiệp định và dự án hợp tác kinh tế trị giá nhiều tỷ đô la đã được
ký kết. Đặc biệt, trong đó có nhiều chương trình và dự án có tác động lâu dài
đến Philippines như Chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-thương mại 6 năm,
các dự án hạ tầng, cầu cảng ở Davao, quê hương Tổng thống Duterte… Không những
thế, Trung Quốc còn sẵn sàng mở rộng phạm vi sáng kiến Con đường trên biển sang
phía Đông so với ban đầu để Philippines có điều kiện tham gia, nối lại cơ chế
Ủy ban hợp tác kinh tế sau 5 năm bị gián đoạn (năm 2012, cơ chế này bị gián
đoạn do việc Trung Quốc chiếm giữa bãi cạn Scarborough)… Một điều đương nhiên,
mức độ hợp tác và sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc càng nhiều thì mức độ
“nghe lời” của Philippines đối với Trung Quốc càng lớn.
- Về mặt chính trị, trong bối cảnh có những phát biểu tranh
cãi giữa Tổng thống Philippines và chính quyền Tổng thống Obama, sự không ủng
hộ chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte thì Trung Quốc sẵn sàng là
“bờ vai” cho Philippines dựa. Các phát biểu của Trung Quốc về Philippines đều
mang tính “hòa hảo”, “hữu nghị”, làm giảm nhẹ vấn đề. Thậm chí, có một số vấn
đề như việc Tổng thống Philippines tuyên bố chiếm đóng và củng cố các cấu trúc
chưa có người ở Trường Sa, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đi thăm Thị Tứ,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều sử dụng từ ngữ khá nhẹ nhàng, thậm
chí còn không nhắc đến chủ quyền của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với
các vụ việc tương tự, thậm chí ít quan trọng hơn trong quá khứ mà Philippines
thực hiện, khi đó thường là phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các lời lẽ
căng thẳng, mang tính đe dọa. Liên quan đến Biển Đông, Trung Quốc đã thuyết
phục được Philippines hình thành cơ chế hợp tác biển ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao
và cuộc họp đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 5 này ở Trung Quốc.
- Về mặt quân sự, một thông tin mà báo chí ít để ý tới đó là
việc vào ngày 30/4/2017, một biên đội 3 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ
cập cảng thành phố Davao, quê hương Tổng thống Philippines, trong một chuyến
thăm hữu nghị. Dự kiến, trong ngày 01/5, ông Duterte sẽ lên thăm các tàu này.
Việc tàu chiến Trung Quốc thăm Philippines cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ quan
hệ quân sự giữa 2 nước, trong đó có lực lượng Hải quân, vốn đã suýt va chạm năm
2012 ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Tóm lại, Trung Quốc đã nhanh chóng chớp thời cơ, có những
bước đi đầy tính toán đối với Philippines, nhất là trước việc nước này đảm
nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2017. Việc Tuyên bố Chủ tịch, như đã nêu ở trên,
bỏ qua một số nội dung quan trọng liên quan đến tình hình Biển Đông cho thấy
sức ép mạnh mẽ và thành công bước đầu của Trung Quốc đối với Philippines.
Tháng 11/2017, ASEAN sẽ có Hội nghị thượng đỉnh với các nước
đối tác và vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề mà ASEAN phải giải quyết.
Điều này đòi hỏi các nước ASEAN cần nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp với nhau
và các nước ngoài khu vực làm cho Philippines và cá nhân Tổng thống Philippines
hiểu rõ lợi ích chung của khối trong việc đề cập tới các nội dung có liên quan
đến Biển Đông để có sự điều chỉnh quan điểm cho thích hợp. Vấn đề Biển Đông là
vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới, nhất
là của ASEAN. Philippines là Chủ tịch ASEAN 2017, do đó, cần phải phản ánh đầy
đủ quan điểm của cả khối ASEAN trong vấn đề Biển Đông, tránh việc sử dụng quyền
Chủ tịch để lái vấn đề theo lợi ích riêng của mình. ASEAN đã trở thành cộng
đồng, do đó, một cộng đồng muốn mạnh và được tôn trọng phải là cộng đồng phản
ánh được mối quan tâm của các thành viên cũng như có trách nhiệm với các vấn đề
có liên quan đến cộng đồng quốc tế. Biển Đông là vấn đề và là bài thử cho sức
mạnh cộng đồng ASEAN. ASEAN và Philippines cần phải mạnh mẽ hơn nữa, đoàn kết
hơn nữa để chống lại cách thức “chia để trị” mà Trung Quốc sử dụng lâu nay
trong vấn đề Biển Đông và ASEAN.
Nguồn: Biendong.net
ASEAN đã trở thành cộng đồng, do đó, một cộng đồng muốn mạnh và được tôn trọng phải là cộng đồng phản ánh được mối quan tâm của các thành viên cũng như có trách nhiệm với các vấn đề có liên quan đến cộng đồng quốc tế. Biển Đông là vấn đề và là bài thử cho sức mạnh cộng đồng ASEAN. ASEAN và Philippines cần phải mạnh mẽ hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để chống lại cách thức “chia để trị” mà Trung Quốc sử dụng lâu nay trong vấn đề Biển Đông và ASEAN.
Trả lờiXóaKết quả Hội nghị một lần nữa cho thấy, Trung Quốc tiếp tục gây chia rẽ và can thiệp thô bạo vào các vấn đề của ASEAN, nhất là các vấn đề có liên quan đến Biển Đông. Nhìn lại quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trong giai đoạn vừa qua, có thể thấy rõ chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc đối với Philippines khi nước này trong quá trình chuẩn bị cũng như đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2017.
Trả lờiXóaASEAN đã trở thành cộng đồng, do đó, một cộng đồng muốn mạnh và được tôn trọng phải là cộng đồng phản ánh được mối quan tâm của các thành viên cũng như có trách nhiệm với các vấn đề có liên quan đến cộng đồng quốc tế. Biển Đông là vấn đề và là bài thử cho sức mạnh cộng đồng ASEAN
Trả lờiXóa