Trong khi người dân Thủ đô đang thiếu diện tích công viên,
cây xanh, khu vui chơi chung công cộng thì tại một số công viên lớn, một phần đất
công viên lại đang được sử dụng làm nhà hàng, quán nhậu, quán hàng nước, cà phê…
Trước những bất bình của dư luận, vừa qua, UBND thành phố đã yêu cầu các quận,
huyện, thị xã rà soát, tổng hợp hiện trạng và xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục,
hoàn trả đúng mục đích. Đây có thể coi là bước đi đúng đắn và đúng thời điểm để
xoa dịu dư luận.
Nhà hàng kiên cố án ngữ
ngay đằng sau cổng vào Vườn thú Hà Nội
Câu chuyện đất công viên, cây xanh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm
xây dựng nhà hàng, quán cà phê và các công trình khác vừa cũ lại vừa mới. Cũ ở
chỗ việc này diễn ra đã lâu, nhiều địa phương đã “ra quân quyết liệt” xử lý vi
phạm, nhưng lại mới ở chỗ nhiều công trình đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại như
thách thức dư luận, thậm chí thêm công trình mới mọc lên. Mới nhất, theo báo
cáo của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội),
hiện còn hàng chục trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích tại 27 công viên,
vườn hoa, khu đô thị trên địa bàn thành phố...
Về nguyên nhân chủ quan (cũng là chủ yếu) là do đơn vị được
giao quản lý công viên chưa làm tròn trách nhiệm, cho thuê đất xây dựng công
trình bừa bãi; chính quyền địa phương cũng buông lỏng quản lý để xây dựng trái
phép, không phép trên đất công viên xảy ra mà không có biện pháp xử lý triệt để
ngay từ khi phát sinh. Hậu quả, công trình đưa vào sử dụng trong thời gian dài,
lấn chiếm cả vỉa hè, lòng đường làm nơi để xe, gây cản trở giao thông, bức xúc
dư luận.
Trên thực tế, việc xử lý lấn chiếm, chiếm dụng, chuyển đổi
công năng sử dụng đất công viên, vườn hoa không phải mới được thành phố đặt ra
trong những năm gần đây. Đã có một số trường hợp bị xử lý, giải tỏa, trả đất
công viên về đúng nghĩa, như: Nhà hàng Gió Mới (tại Công viên Thống Nhất), Khu
trưng bày, bán cây cảnh của Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long tại Công viên
Indira Gandhi (quận Ba Đình)...
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, việc xử lý các vi phạm tại
các công viên, vườn hoa không đơn giản, bởi hầu hết đã tồn tại từ nhiều năm trước.
Có trường hợp được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, giao đất có thời hạn
(Công viên Thủ Lệ, Vườn hoa Ngọc Lâm); có trường hợp liên quan đến tài sản của
doanh nghiệp (nằm trong phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất và phương án sử
dụng đất để thực hiện cổ phần hóa).
Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, các cơ
quan QLNN phải có trách nhiệm đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo, từ đó có
phương án xử lý triệt để mà trước hết là
Sở Xây dựng Hà Nội. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý trách nhiệm của người được
giao quản lý - cả quản lý sử dụng đất công viên, vườn hoa và quản lý nhà nước
trên địa bàn có công viên, vườn hoa. Đồng thời, các sở, ngành cũng nên rà soát,
tham mưu thành phố ban hành quy định hoặc đề xuất các bộ có hướng dẫn đối với vấn
đề phát sinh chưa có cách giải quyết cụ thể. Việc này xuất phát từ yêu cầu thực
tiễn quản lý đô thị, nhưng đồng thời cũng để tránh việc lợi dụng "khoảng
trống" pháp lý, không kiên quyết xử lý vi phạm hoặc phạt rồi cho tồn tại.
Bên cạnh đó, còn có một dạng vi phạm nữa là sử dụng đất không
đúng mục đích, vì vậy chỉ riêng Sở Xây dựng vào cuộc là chưa đủ, mà cần có sự
tham gia của liên ngành thành phố (như Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến
việc sử dụng đất; Sở Tư pháp liên quan đến rà soát tính pháp lý của hợp đồng
cho thuê, giao đất; Công an thành phố liên quan đến các biểu hiện vi phạm an
ninh trật tự...).
Có như vậy, công viên, vườn hoa về đúng công năng "lá phổi
xanh" của thành phố, là nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của
nhân dân. Hy vọng, với sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, sự quyết liệt
của lãnh đạo thành phố cùng sự góp sức của toàn thể nhân dân thủ đô, câu chuyện
lấn chiếm đất công viên sẽ được xử lý dứt điểm, mang lại không gian xanh cho Hà
Nội.
Ngọc
Lan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét