(Dân trí) -Không có tiêu chuẩn cũng như cách tính ra mức tiền trợ cấp nhưng Ban soạn thảo dự thảo trợ cấp giáo viên nghỉ hưu lại tự áp đặt “khung”. Việc này đã vô tình làm mất đi sự công bằng và quan trọng hơn là khiến nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu bị tổn thương.
>> Nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên sẽ được hưởng trợ cấp
Ngày 4/10, Bộ GD-ĐT đã đăng tải Dự thảo Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, tùy vào thời điểm nghỉ hưu, các nhà giáo sẽ nhận được mức trợ cấp một lần từ 2-3,5 triệu đồng.
565 tỷ đồng trợ cấp cho 190.000 nhà giáo
Hội Cựu Giáo chức Việt Nam (HCGCVN) cho biết, hiện tại có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu nhưng đã được hưởng thâm niên từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993 theo Quyết định số 309 - CT ngày 9/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
Trong đó có 184.640 nhà giáo đang tham gia Hội Cựu giáo chức ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên 5.380 nhà giáo đang tham gia Hội Cựu giáo chức cơ sở giáo dục ĐH và các cơ sở khác. Từ con số này, Ban soạn thảo áp “khung” trợ cấp và dự tính chi phí thực hiện khoảng 565 tỷ đồng.
Mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị chi trả chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã nghỉ hưu trong giai đoạn 1/1994-5/2011 nhưng khi họp chính phủ để thông qua thì đa số thành viên Chính phủ không đồng ý. Tiếp đó tại kì họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, đáp ứng nguyện vọng của các cử chi và của Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Quốc hội đã có nghị quyết số 21/2011/QH13 trong đó ghi rõ: Năm 2012 thực hiện chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch HCGCVN thì với từng đó nhà giáo nghỉ hưu thuộc diện được hưởng trợ cấp mà chỉ dùng 565 tỷ đồng để giải quyết thì không thể hiểu nổi. Cách trả cho các nhà giáo như dự thảo đưa ra là cách làm bần tiện, không thể chấp nhận được. Vì khoản đó không bằng một tháng phụ cấp thâm niên của người đương chức, người đang đứng trên bục giảng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong quá trình soạn thảo, HCGCVN cũng được mời tham gia vào tiểu ban. Trong quá trình làm việc với các bên, Hội cũng đã đề xuất tiền trợ cấp tính theo công thức là số năm công tác của từng người nhân với % số lương (hệ số K) thì trung bình một người dạy trong 40 năm được khoảng 30 - 45 triệu đồng. Khi bàn thảo thì các bên cũng có phần xuôi nhưng chẳng hiểu sao bản dự thảo công bố lại không đề cập đến vấn đề này. HCGCVN cũng rất bất ngờ khi biết dự thảo này được đưa lên mạng bởi nội dung cuối cùng này Hội không được biết.
Trước việc Ban soạn thảo viện ra lý do khả năng Ngân sách nhà nước không đáp ứng được, GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh: “Điều đầu tiên cần phải làm đó là thực hiện chế độ cho nhà giáo một cách công bằng trên giấy cái đã. Còn nếu đất nước còn khó khăn thì có thể chi trả thành nhiều đợt. Các nhà giáo nghỉ hưu có yêu cầu chi trả ngay một lần đâu”.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) phân tích: “Bản chất ở đây là phải trả lại công bằng. Tức là trước đó nhà giáo được thâm niên, sau đó cũng được thâm niên. Hơn nữa, đây là những nhà giáo đều trưởng thành và cống hiến trong giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức khó khăn. Rồi thời kỳ bao cấp họ cũng phải chịu đựng thiếu thốn. Do đó nếu hiện nay chưa giải quyết được thì dừng lại, chứ không nên đưa ra một dự thảo thiếu tính khoa học để làm tổn thương nhà giáo”.
Chính sách cần phải thực hiện công bằng
GS Phạm Minh Hạc cho biết: “Nhân Hội nghị Trung ương 6, HCGCVN đã gửi thư cho Tổng Bí thư và tất cả ủy viên Trung ương khóa 11 đề xuất phải có phụ cấp thâm niên cho nhà giáo kể cả nhà giáo làm quản lý giáo dục đã nghỉ hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 như các nhà giáo về hưu trước 1/1/1994 và các nhà giáo đương chức đảm tính công bằng và hợp đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta”.
Các nhà giáo đã tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục do đó các chính sách cần phải được thực hiện công bằng để tránh những tổn thương (Ảnh minh họa)
Theo cách lý giải của HCGCVN thì Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu xây dựng đất nước là một “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, nhưng các nhà giáo nghỉ hưu từ thập kỷ 90 của thế kỷ đến nay không được hưởng công bằng, văn minh, trong khi người làm nhiệm vụ “đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau” đứng trên bục giảng, giảng cho thế hệ trẻ nhưng điều này, rồi nghỉ hưu và ngày nay những nhà giáo đang tiếp nối sự nghiệp, vẫn đang giảng những điều trên cho lớp trẻ bước vào đời. Là người giảng những điều trên, mà lại bị đối xử không công bằng, không văn minh, không dân chủ.
HCGCVN cũng cho rằng, bản thân việc chính sách phụ cấp thâm niên không áp dụng đối với cán bộ quản lý giáo dục các cấp của ngành cần phải được xem xét lại. Chỉ có những người đã từng làm thầy, làm cô giáo, giảng dạy có kinh nghiệm tốt, ngành mới tuyển lên làm cán bộ quản lý. Làm nhiệm vụ của người chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lại không được hưởng phụ cấp thâm niên là hết sức bất công, ở chỗ: Đã từng giảng dạy tốt; Huy động tri thức của thâm niên sư phạm để hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, như vậy là người vốn có thâm niên giảng dạy, lại công được hưởng phụ cấp thâm niên giảng dạy.
Cũng chính vì sự bất cập này mà qua khảo sát ở nhiều địa phương, hiện nay nhiều nhà giáo đang hoạt động ở cấp cơ sở khi được đưa lên làm quản lý ở Phòng hoặc Sở GD-ĐT thường không "mặn mà".
“Đang được hưởng khoản phụ cấp đứng lớp, thâm niên giờ lên làm quản lý thì không còn gì nên khi bổ nhiệm lên làm quản lý thì họ thường không mặn mà, thậm chí có người còn từ chối. Chính vì thế, việc bổ sung cán bộ ngành ở cấp phòng và Sở là tương đối gian nan” - lãnh đạo của một Sở GD-ĐT phía Bắc tâm sự.
Chủ trương quan tâm đội ngũ giáo viên là một hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách đưa ra cần phải được thực hiện một cách công bằng để tránh làm tổn thương đội ngũ thầy cô đang còn làm công tác hoặc đã nghỉ hưu. Thay cho lời kết, xin dẫn lời kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với Chủ tịch HCGCVN về vấn đề phụ cấp thâm niên: “Mặc dù đất nước ta còn nghèo, ngân sách nhà nước hiện còn rất khó khăn, những vấn đề này phải được xem xét một cách thấu đáo, đảm bảo sự công bằng hợp lý. Thể hiện sự công nhận công lao đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu và có tác dụng động viên khích lệ đối với các nhà giáo đang làm việc”.
S.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét