Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2012, chiều 27/9, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách theo hướng kiềm chế lạm phát vẫn là một ưu tiên không chỉ năm nay mà cả sang năm để kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc.
Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam
Theo Người phát ngôn Chính phủ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tăng cao (2,2%), lý do chủ yếu do yếu tố giá của những mặt hàng: dịch vụ y tế tăng (chiếm 1% CPI), tháng 9 khai giảng năm học mới nên giá các mặt hàng giáo dục tăng (chiếm 0,6% CPI), giá xăng dầu tăng (chiếm 0,3% CPI)
Điều hành giá có lộ trình phù hợp
“Tất nhiên, việc điều hành tăng giá dịch vụ y tế đã có sự chuẩn bị trước, là việc làm cần thiết, Chính phủ đã có chỉ đạo không chỉ đơn thuần tăng giá mà phải gắn với cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn. Các địa phương đồng loạt tăng giá dịch vụ y tế, có dịch vụ tăng gấp đôi kéo theo chỉ số giá lên. Chính phủ đã có chỉ đạo đối với Bộ ngành, địa phương không chỉ dịch vụ y tế mà dịch vụ khác cần phải điều hành thận trọng, có lộ trình phù hợp”, Người phát ngôn Chính phủ nói.
Đối với giá học phí năm mới có tính thời vụ; giá xăng dầu sẽ tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường, cân đối, hài hòa tất cả các mặt, xem xét tổng kết Nghị định 84 để xem xét các phương án có điều chỉnh vào cuối năm.
Người phát ngôn Chính phủ cũng khẳng định trước việc CPI tăng cao, Chính phủ đã bàn phân tích kỹ lưỡng, nghiêm túc, nhìn nhận các khía cạnh để xem có vấn đề gì liên quan đến chính sách điều hành giật cục hay không, có vấn đề gì liên quan đến công tác thống kê không và có vấn đề gì đến mức lo lắng, hoảng loạn là lạm phát cao sẽ quay trở lại hay không.
“Chính phủ bàn rất kỹ và chúng ta có thể khẳng định rằng việc kiềm chế lạm phát vẫn là một ưu tiên không chỉ năm nay mà cả sang năm để kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn. Việc tăng giá tháng này có những yếu tố do một số mặt hàng tăng giá dồn dập, có những yếu tố thời vụ như khai giảng năm học mới. Còn việc điều hành tiền tệ vẫn theo lộ trình được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo lạm phát trong năm nay trong tầm mục tiêu đề ra”.
Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết về cơ bản Chính phủ khẳng định lạm phát sẽ được kiềm chế trong mục tiêu đề ra, bằng các biện pháp điều hành chặt chẽ, đồng thời linh hoạt để duy trì ổn định lạm phát khoảng 8% và điều quan trọng song hành là có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất đạt được mục tiêu tăng trưởng cuối năm.
Về tình hình kinh tế nói chung, theo Người phát ngôn Chính phủ, kinh tế tiến triển tốt qua từng quý, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng vẫn ở mức thấp. Để đạt được mức khoảng 5,2% thì 3 tháng cuối năm phải tăng trưởng khoảng 6,5% trở lên. Đây là mục tiêu phấn đấu không dễ dàng.
“Chúng ta tiếp tục các biện pháp điều hành chặt chẽ để kiềm chế lạm phát. Thứ hai, vẫn cần duy trì nhịp độ tăng trưởng đã được xác định là cố gắng đạt khoảng 5,2%. Các cán cân vĩ mô khác phải lành mạnh hơn, xuất khẩu tăng tốt, nhập siêu giảm, dự trữ ngoại tệ tăng, tỷ giá ổn định”, Người phát ngôn Chính phủ nói.
Phát huy lợi thế khi hội nhập sâu rộng
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đánh giá ảnh hưởng của tình kinh tế thế giới đến kinh tế nước ta (thị trường xuất khẩu thu hẹp, dòng vốn đầu tư giảm sút…) thời gian qua, Người phát ngôn Chính phủ cho rằng nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay gấp khoảng 1,7 lần GDP. Điều đó có nghĩa chúng ta thực sự là một phần của kinh tế thế giới.
Vì vậy, kinh tế thế giới tốt thì thị trường xuất khẩu chúng ta tốt, đầu tư làm ăn tốt, khách du lịch đến nhiều... Tuy nhiên, kinh tế thế giới mấy năm nay vẫn chưa qua được khủng hoảng, và diễn biến trong năm 2012, theo dự báo của phần lớn những tổ chức kinh tế thế giới và khu vực phần nhiều là xấu đi, kể cả tăng trưởng, giải quyết nợ công, tăng trưởng kinh tế những nước mới nổi trước đây là động lực cũng đang chững lại….
Người phát ngôn Chính phủ cũng thông báo trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2012, Chính phủ cũng bàn đề án quan trọng là bảo hiểm y tế, trên tinh thần cố gắng bằng giải pháp đồng bộ, tuyên truyền vận động, và đương nhiên cả ngân sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn để mau chóng nâng tỷ lệ người dân được bảo hiểm y tế lên cao hơn. Tính đến hết năm nay có khoảng 68% dân số tham gia bảo hiểm y tế so với cuối năm ngoái là 63-64%. Phiên họp này Chính phủ đã bàn, cho ý kiến định hướng đề án này để Bộ Y tế và các Bộ tiếp tục hoàn thiện, trình phê duyệt trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế đã ban hành.
Phương Nguyên
cần tiếp tục kiềm chế lạm phát , đưa nền kinh tế nổi lên trong khu vực như vậy sẽ ổn định , củng cố thêm cho chính trị
Trả lờiXóa