LâmTrực@ sưu tầm
Với cách đánh luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng yếu huyệt và cơ quan đầu não đối phương, hai tiếng "đặc công" nhuốm đầy màu sắc huyền thoại.
Giày lò xo
Chướng ngại đầu tiên người lính đặc công phải vượt qua là các loại rào kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp như: rào bùng nhùng, rào mái nhà, rào chống B40 và cả hàng rào điện tử. Giữ kỷ lục là căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu (Quảng Trị) với hàng rào dày tới 23 lớp. Bên dưới lớp rào là bãi mìn dày đặc với các loại claymore, con cóc, mìn râu, mìn lá... nhiều tầm sát thương. Người lính phải biết vận dụng đủ giác quan, từ xúc giác của tay để sờ, khứu giác để ngửi, thính giác, thị giác để để quan sát, nghe ngóng, phán đoán và cả... giác quan thứ sáu để thoát hiểm. Đó là phương châm thuộc nằm lòng "tai nghe, mắt thấy, tay sờ, chân đến và đoán đúng". Những chuyến đi trinh sát điều nghiên như vậy tuyệt đối không được để lại dấu vết. Khi đêm xuống, một tổ đặc công trườn người sát đất, lặng lẽ móc từng móc rào lên, đánh dấu, vô hiệu hóa các loại mìn, chui sâu vào hang ổ kẻ thù, giữa hàng rào lính địch tuần tra, canh gác dày đặc. Lúc trở ra, họ phải tái lập hiện trường như cũ để không bị phát hiện. Bước vào trận tấn công, nếu toán thọc sâu bị lộ, lực lượng nằm vòng ngoài có thể dùng kỹ thuật cá nhân nhảy qua từng vòng rào vào sâu cứu viện. Các phương tiện tuyên truyền của địch thường lu loa rằng đặc công Việt cộng được trang bị loài giày "lò xo" đặc chủng của Liên Xô có thể phóng xa và cao cả chục mét. Kỳ thực, đây là kỹ thuật hoàn toàn do tập luyện đến độ thành tuyệt kỹ, mà đối phương, theo cách nghĩ thông thường, không thể nào hiểu nổi.
Trị thú dữ
Vòng trong các căn cứ đóng quân, căn cứ hậu cần, kho bom đạn, kho nhiên liệu, sân bay... luôn có đám quân khuyển berger được huấn luyện để lùng sục, đánh hơi và rất hung dữ. Đây cũng là một kẻ thù đáng gờm, và như các chiến sĩ đặc công từng nói, một con berger còn đáng sợ hơn một tiểu đội lính Mỹ. Để hạ bọn thú này, có nhiều bí quyết. Cách thông thường là trước khi đột nhập, lính đặc công mặc độc một chiếc quần lót nằm phơi sương mấy đêm liền, làm mất hết hơi người, hoặc bôi vào người một loại thuốc khử mùi. Nhiều khi đặc công đang ém mình ngụy trang, chó berger đến ngửi từ đầu đến chân rồi bỏ đi. Coi như cái mũi đánh hơi nhạy bén của lũ berger không còn tác dụng. Cũng có khi phải đụng đầu trực diện, như trong trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ, bên trong có đội quân khuyển hơn 100 con. Khi phát hiện ra trinh sát ta, một con berger to như con bê lao tới. Chỉ bằng một cú xoay người và lia ngang một đòn dao găm, cổ con berger bị cắt đứt gọn. Nào chỉ có chó, ngay cả đàn ngỗng cũng được huấn luyện thành những tên lính cảnh giới đáng sợ. Ngỗng có khả năng đánh hơi và phát hiện tiếng động dù rất nhẹ. Phản ứng của chúng là kêu toáng lên báo động và kéo cả đàn cùng tấn công. Bị vây giữa đám giặc có mỏ và có cánh này kể như phiền phức to. Tuy nhiên ngỗng lại rất sợ rắn. Lính ta chỉ cần bứt những cọng môn (dọc mùng) hay những sợi dây dài giả làm rắn. Gặp phải thứ rắn giả này, ngỗng chỉ còn biết co cổ, nằm im. Trong các đội quân chư hầu tham chiến tại chiến trường Việt Nam, quân một nước hay sử dụng nhiều cách phòng thủ "quái chiêu" nhất. Một trong những cách đó là sử dụng rắn độc làm "hàng rào"che chắn. Tại nơi đóng quân (Long Thành), ban đêm địch thả rắn ra chung quanh vòng rào, ban ngày dùng tiếng sáo gọi rắn về, giống như các thuật sĩ Ấn Độ chuyên điều khiển rắn vậy. Đây là loại rắn rất nhỏ nhưng lại cực độc, một cú mổ có thể làm chết người trong vài phút. Đối phó lại, lính đặc công có loại thuốc kỵ rắn. Mang thuốc này theo người, coi như rắn cũng... chịu phép.
Tàng hình
Nói về tài "tàng hình" của đặc công, có rất nhiều giai thoại. Một lính địch đang phiên gác, lén che nón sắt ngồi hút thuốc. Xong, hắn ném tàn thuốc xuống lùm cỏ trước mặt và... tè luôn lên đó. Hắn nào có hiểu đám cỏ nằm im kia lại biết di động: một chiến sĩ đặc công đã áp sát, và số phận tên lính được định đoạt trong giây lát. Hoặc một đồn địch được mật báo trước có đặc công vào đánh. Tên đồn trưởng đốc thúc đám lính thuộc quyền canh gác, tuần tra cẩn mật tưởng chừng con kiến không chui lọt. Vậy mà đúng nửa đêm, đặc công đã vào trong mà kẻ địch hoàn toàn không hay biết. Đại tá Lê Bá Ước giải thích: "Đây chỉ là kỹ thuật ngụy trang đến mức tài tình. Trong bóng tối, có thể cởi trần bôi màu cho tiệp với màu đất, màu cỏ. Hoặc biết lợi dụng địa hình, địa vật để che giấu. Khi địch rọi đèn pha, lợi dụng sự phản xạ của mắt đối với ánh sáng và bóng tối, hoặc lúc hai luồng quét giao nhau, mà lính đặc công có thể nằm im hay vận động xâm nhập".
Chuyện người lính đặc công Hai Cà
Năm 1954, ông Hai Cà tập kết ra Bắc, nhưng chỉ bảy năm sau lại tình nguyện trở về chiến đấu ở miền Nam ruột thịt. Vừa tham chiến, ông vừa là người lập kế hoạch tác chiến, chỉ huy chiến sĩ đặc công tung “những cú đấm tử thần” vào các căn cứ tưởng chừng bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ. Thời điểm đó miền Đông Nam bộ đã trở thành căn cứ hùng hậu của quân đội Mỹ với các sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 “Tia chớp nhiệt đới”, tổng kho liên hợp Long Bình, sân bay quân sự Biên Hòa... Để bảo vệ những trọng điểm này, quân đội Mỹ ngoài sử dụng biệt kích tinh nhuệ còn có các phương tiện điện tử hiện đại kết hợp cùng “truyền thống” như chó bẹcgiê, ngỗng, rắn và hàng chục lớp rào thép, bẫy mìn. Ban đầu chúng đã huênh hoang tuyên bố: “Con chuột nhắt mà muốn vào được những nơi này cũng phải xin phép lính Mỹ”. Tuy nhiên, ngay sau đó các “cú đấm tử thần” của bộ đội đặc công đã làm chúng phải đổi lại câu nói “những nơi này đã bị Việt cộng bỏ túi”. Ông Hai Cà kể càng về sau kỹ thuật bố phòng quân sự càng hiện đại, đặc biệt là quân đội Mỹ. Tuy nhiên, người lính đặc công không có giới hạn cuối cùng nào là không thể vượt qua, mà đôi khi những bài học xương máu này lại được nhân dân chưa bao giờ cầm súng truyền dạy. Chính đồng bào đã chỉ ông cách “làm ngỗng phải phục đầu” bằng những vốc hành giả mùi rắn hổ. Còn chó bẹcgiê thì có rất nhiều cách để qua mặt như tắm rửa thật sạch, phơi sương, xoa bùn, thậm chí tắm cả loại xà bông lính Mỹ hay dùng. Đặc biệt, đặc công còn biết nướng thịt bò tẩm bơ theo đúng kiểu Mỹ rồi nhẹ nhàng thả vào cho chó táp. Hàm răng vừa ngập vào miếng thịt thì chớp mắt một mũi dao găm đã hạ gục chúng trong khi chúng còn chưa kịp sủa tiếng nào. Lịch sử sau này có thể kể lại bao nhiêu lần tổng kho liên hợp Long Bình và sân bay Biên Hòa bị đánh cháy, nhưng chắc chắn sẽ khó ghi lại đầy đủ được bao nhiêu lượt chiến sĩ đặc công đã đột nhập vào các nơi này. Chỉ riêng ông Hai Cà đã rất nhiều lần chỉ huy các chiến sĩ đặc công đột nhập thành công. Có khi họ chỉ đi điều nghiên tình hình, như những bóng ma nhẹ nhàng vượt qua gần 20 lớp rào và bãi mìn, lính canh, đèn pha để “tai nghe, mắt thấy, tay sờ mục tiêu”, rồi lại trở ra êm ái. Nhiều lần đột nhập nửa chừng thì trời sáng, ông Hai Cà và các chiến sĩ đặc công phải nằm lại giữa trùng lớp kẻ thù. Không có một bài bản ẩn thân nào cố định. Tùy thời tiết mưa, nắng, màu sắc ánh sáng, màu sắc đất đá, cây cỏ, cống rãnh, các đặc công chỉ mặc độc quần lót, phải nhanh trí xoay xở cách “vô hình” ngay trước mũi súng kẻ thù. Nguyên tắc này gần giống con tắc kè có thể đổi màu chìm lẫn trong cảnh vật xung quanh bất cứ lúc nào. Liên tiếp ba trận trong ba tháng 10, 11, 12-1966 ông Hai Cà phôi hợp với đơn vị bạn đã chỉ huy các chiến sĩ đặc công đột nhập thành công, phá nổ hơn 400.000 tấn bom đạn Mỹ. Còn ở sân bay Biên Hòa, lực lượng của ông Hai Cà cũng đã rất nhiều lần làm kẻ địch phải kinh hoàng. Chỉ riêng trận tháng 9-1972, đơn vị ông phối hợp với lực lượng bạn bí mật vượt 20 lớp rào các loại, đột nhập tận đường băng và trong tích tắc cho nổ tung 127 máy bay các loại. Nhiều chiến sĩ đặc công đã quyết tử để quyết thắng. Trong đó, hai người con trai của ông Hai Cà đã trở thành liệt sĩ và thương binh cũng tại sân bay Biên Hòa. Rất lâu sau đó, chính lực lượng biệt kích tinh nhuệ của Mỹ vẫn chưa thể hiểu nổi làm sao đặc công VN liên tiếp đột nhập và đánh phá thành công những nơi bất khả xâm phạm này.
Thật bí ẩn phải không các bạn?
Những con người đóng góp không nhỏ vào sự bình yên Tổ quốc. Giá mà lực luongj vũ trang nào cũng được huấn luyện ntn nhỉ
Trả lờiXóaNhững người lính đặc công họ phải rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt, để có thể luyện cho cơ thể sức chịu đựng dẻo dai hơn nhiều lần, nhờ có một phần đóng góp lớn của họ mà chúng ta mới có những trận đánh đi vào huyền thoại
Trả lờiXóa