Tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Đây là vấn đề đã được pháp luật quốc tế và luật pháp của nhiều quốc gia thừa nhận. Trên phạm vi toàn thế giới, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận ngay từ Hiến chương Liên hợp quốc (1945) và khẳng định trong tất cả các văn kiện nhân quyền như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966); Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng (1981)…
Trong Hiến chương Liên hợp quốc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận ngay từ điều 1.3 về những mục đích mà Liên hợp quốc theo đuổi. Theo đó, Liên hợp quốc quy định: “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế – kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.
Tiếp đó, trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) có viết: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình và tự do hoặc một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, tại nơi công cộng hoặc riêng tư, thể hiện tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng cách truyền giảng, thực hành, thờ phụng và tuân thủ các nghi lễ”. Và tinh thần này tiếp tục được khẳng định lại tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966[1].
Cụ thể hóa hơn các quy định trên, trong Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, Liên hợp quốc đã nêu những vấn đề hết sức chi tiết về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo như mỗi người đều có quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo, tự do biểu đạt tín ngưỡng, tôn giáo như thờ cúng, tụ họp; được thành lập và duy trì các cơ sở nhân đạo, từ thiện; được phát hành và phổ biến các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo, được thuyết giáo; được đào tạo, bổ nhiệm, bầu hay chỉ định các chức sắc… Tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Các quyền và tự do được nêu trong Tuyên bố này cần được thể chế hóa trong luật pháp quốc gia theo một phương thức mà mọi người có thể thực hiện được các quyền và tự do đó trong thực tiễn”.
Xuyên suốt những văn bản này có thể thấy tinh thần của cộng đồng quốc tế là hết sức tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, đi kèm với việc thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, một vấn đề hết sức quan trọng cũng được các quốc gia đặc biệt quan tâm đó là liệu quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo có phải là một quyền tuyệt đối?
Đối với vấn đề này luật pháp quốc tế cũng quy định rõ, giống như một số quyền con người khác, tự do tín ngưỡng tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối. Nghĩa là, trong khi thực hiện quyền, công dân vẫn phải chịu những hạn chế nhất định bởi các quy định của pháp luật. Việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không được vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến lợi ích công cộng, các quyền và tự do cơ bản của những người khác. Điều này đã được khẳng định trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948): “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ; mọi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm đảm bảo các quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”.
Chi tiết hơn, chính ngay trong Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, bên cạnh việc khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cộng đồng quốc tế cũng nhấn mạnh rằng: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của những người khác.” Và tại Điều 29, tinh thần này tiếp tục được khẳng định lại một lần nữa: “Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải là tuyệt đối, các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe đạo đức của cộng đồng, hoặc bảo vệ lợi ích của người khác khỏi bị xâm hại.”
Như vậy, theo quan điểm của cộng đồng quốc tế vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo bao giờ cũng có tính hai mặt. Thứ nhất đây là một trong những quyền cơ bản của con người và luôn được pháp luật bảo hộ. Thứ hai, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo phải luôn tuân thủ các quy định khác của pháp luật. Bất kỳ hoạt động tôn giáo nào cũng phải đảm bảo tính hai mặt đó.
Tuy nhiên thực tiễn tình hình tại Việt nam thời gian qua cho thấy, có nhiều người đã lợi dụng danh nghĩa “tự do tôn giáo” để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, thậm chí là chống chính quyền như tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, phục hồi các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, xây dựng cơ sở thờ tự trái phép… Nguy hiểm hơn, họ còn kích động quần chúng giáo dân “tuyệt thực, tự thiêu”, tụ tập đông người gây sức ép, ngang nhiên chiếm dụng một số khu vực đất đai trái phép, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền, gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản của tập thể, công dân, chống người thi hành công vụ, phá hoại trụ sở chính quyền…
Như vậy xét dưới góc độ luật pháp quốc tế, những người này đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu những tinh thần chung nhất về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Người Việt thường có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đã không biết tốt nhất là đừng nên “nhai đi nhai lại” mấy luận điệu kiểu: “Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền”
Người viễn xứ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét