Mới học hết lớp 7, lão nông Nguyễn Văn Sành được ví “tài ngang kỹ sư” vì ông đã chế tạo thành công nhiều loại máy móc, trong đó máy bóc, thái hành tỏi tự động đã tạo được “thương hiệu” và được nhiều người biết đến.
Tại Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2012, gian hàng của tỉnh Hải Dương luôn thu hút nhiều người đến tham quan vì nơi đây có trưng bày những loại máy móc của “những nhà sáng chế nông dân” như máy gieo hạt cà rốt, lưỡi cày lên luống làm đất… Nhưng độc đáo nhất là máy bóc, thái hành tỏi của lão nông Nguyễn Văn Sành ở xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Người dân xã Nam Trung vốn có nghề bóc, thái hành tỏi bằng tay, trung bình một người làm thành thạo cũng chỉ làm được 17-18 kg/ngày, vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao.
Chứng kiến điều đó, ông Sành đã ngày đêm trăn trở, nghĩ cách sáng chế ra loại máy bóc, thái hành tỏi sử dụng trục dập, quay tay năng suất cao, đồng thời thái được các loại củ, quả như khoai tây, su hào, cà rốt để phơi khô, bảo quản được trong thời gian dài.
Đến năm 2000, ông cải tiến máy thái hành chạy bằng động cơ điện.
Mất một thời gian dài tìm tòi, thử nghiệm nhiều phương án, ông Sành tìm ra cách lắp lưỡi dao để khi máy chạy, độ rung của máy sẽ khiến hành tỏi, bí đao quay theo chiều dọc, năng suất tăng từ 2 tạ lên 7-8 tạ/ngày, và đến nay, sau nhiều cải tiến máy thái đạt công suất 24-30 tạ/ngày.
Tính đến nay, ông Sành làm được gần 3.000 chiếc máy. Trong số đó, chủ yến được người dân xã Nam Trung mua về phục vụ làm nghề, số còn lại được bán cho các nhà hàng, khách sạn lớn trên cả nước và xuất sang Indonesia, Lào...
Hiện tại, ông Sành vẫn không ngừng tìm hiểu và nghĩ cách đổi mới, cải tiến máy để có công suất, hiệu quả tốt hơn với mong muốn duy nhất là làm sao giảm được sự vất vả của người nông dân. Ngoài máy bóc, thái hành tỏi, ông Sành còn chế tạo nhiều loại máy khác như máy bóc vỏ lạc; máy tách cụm hành tỏi; máy thái su hào, quả chay, tai chua...
Những giải thưởng mà ông Nguyễn Văn Sành đã nhận được có thể liệt kê gồm: Giải Khuyến khích của “Giải thưởng Khoa học công nghệ toàn quốc (VIFOTEC) năm 2004”, “Giải thưởng 15 năm Khoa học công nghệ quốc gia” năm 2008, Kỷ niệm Chương vì sự phát triển kinh tế nông thôn, được tỉnh Hải Dương cấp “mã số vàng” - danh hiệu vinh dự nhất cho các tập thể, cá nhân có đóng góp cho tỉnh… chính là những ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của “nhà sáng chế nông dân” trong việc giúp người dân giải phóng sức lao động, xóa đói giảm nghèo.
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Nhiều người nông dân không được đào tạo qua trường lớp nhưng họ đã chế tạo ra nhiều đóng góp rất lớn
Trả lờiXóa