(VnMedia) - Khi căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á bước vào một giai đoạn đối đầu mới, có nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang ngày càng can thiệp sâu vào vấn đề khu vực này.
Ngoài những lo ngại về năng lực hải quân ngày càng được tăng cường của Trung Quốc, Ấn Độ có lợi ích chiến lược và kinh tế ở Biển Đông. Trong nhiều năm qua, tập đoàn dầu khí quốc gia onGC của Ấn Độ đã liên doanh với trong các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Ấn Độ cũng mở rộng các mối quan hệ chiến lược với các nền kinh tế mới nổi của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hy vọng tăng cường thương mại song phương lên con số 200 tỉ USD vào thập kỷ tới.
Với tư cách là đối tác đối thoại chính của ASEAN, Ấn Độ cũng liên tục nhấn mạnh cam kết tự do hàng hải ở Biển Đông, cảnh báo về những mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh hàng hải.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ mới kết thúc gần đây, để đáp trả những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tìm kiếm một vài trò lớn hơn và sự can thiệp sâu hơn của Ấn Độ trong việc đảm bảo sự ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn lập trường hiếu chiến của Trung Quốc.
“Trong khi trung tâm của nền kinh tế toàn cầu đang chuyển về hướng đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tuyến đường biển sống còn cho thương mại và ngoại thương”, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tuyên bố như vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ hồi cuối năm ngoái.
Cả Ấn Độ và ASEAN dường như đều chia sẻ với nhau mối quan ngại ngày càng tăng về sự hiếu chiến trên biển gần đây cũng như năng lực hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Sự can thiệp của Ấn Độ vào Biển Đông thể hiện rõ qua việc, hồi cuối năm ngoái, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K. Joshi đã tuyên bố một cách quả quyết rằng: “Bất kỳ nơi đâu có quyền lợi của chúng tôi ở đó, chúng tôi sẽ can thiệp vào để bảo vệ các quyền lợi của mình”.
Theo lời Đô đốc D K Joshi, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - onGC có 4 lô dầu đang khai thác ngoài khơi Việt Nam. “Nếu cần, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ các lô dầu đó”. Ông Joshi tuyên bố chắc nịch rằng, nhiệm vụ của Hải quân Ấn Độ là phải bảo vệ các tài sản thuộc Ấn Độ. Ấn Độ có hai mối quan tâm cơ bản – đó là “tự do hàng hải và bảo vệ các tài sản của quốc gia”.
"Biển Đông là một vấn đề phức tạp. Chúng tôi không phải là một bên có liên quan trực tiếp. Chúng tôi không có quyền lợi lãnh thổ ở đây. Tuy nhiên, mối quan ngại chính của chúng tôi là tự do hàng hải. Ngoài ra, onGC cũng có các lô dầu ở Biển Đông. Hải quân Ấn Độ ở đây để bảo vệ cho các lợi ích hàng hải của đất nước”, ông Joshi nhấn mạnh.
Những năm gần đây chứng kiến sự leo thang nghiêm trọng trong các cuộc tranh chấp trên biển ở khu vực Châu Á. Trung Quốc đòi chủ quyền gần như hầu hết Biển Đông và liên tục đòi giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương với từng nước chứ nhất quyết không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Tình hình tranh chấp trở nên xấu hơn nữa khi giới lãnh đạo mới ở Trung Quốc “tung” ra một loạt hành động khiêu khích, từ việc phát hành hộ chiếu mới trong đó có in hình bản đồ đường lưỡi bò đến thông báo gần đây của giới chính quyền tỉnh Hải Nam về việc cho phép lực lượng cảnh sát nước này chặn và bắt giữ tàu thuyền nước khác ở các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông rồi đến cả việc Trung Quốc đưa ra bản đồ chính thức mới trong đó có cả những vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Đối phó với một Trung Quốc như trên, một số nước Đông Nam Á đã tìm kiếm mối quan hệ hợp tác quốc phòng và chiến lược sâu sắc hơn với các cường quốc Thái Bình Dương như Mỹ, Ấn Độ. Hai nước Philippines, Việt Nam cùng với Vùng lãnh thổ Đài Loan đã chính thức lên tiếng phản đối hộ chiếu có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trong khi liên minh ASEAN thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước những quy định mới mà tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đưa ra ở các vùng biển tranh chấp.
Ngoài ra, còn có một vấn đề lớn hơn là sự đối đầu giữa hai địch thủ Trung Quốc-Ấn Độ. Theo truyền thống, Hải quân Ấn Độ chỉ tập trung tuần tra vào bảo vệ những lợi ích của nước này ở vùng lãnh hải kéo dài từ Eo biển Hormuz ở vùng Vịnh Persia đến Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nổi lên nhanh chóng như một cường quốc hải quân khu vực đã khuyến khích Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa hải quân của mình và hướng tới các cuộc viễn chinh xa hơn.
Từ năm 2000 đến 2012, ngân sách dành cho Hải quân Ấn Độ đã tăng từ 15 đến 19% cùng với đó là việc tăng cường các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Trong những năm tới, Hải quân Ấn sẽ được củng cố sức mạnh bằng việc được trang bị thêm một hạm đội tàu sân bay mới, các tàu ngầm hiện đại của Pháp, các tàu ngầm hạt nhân tự chế và những chiếc máy bay tối tân.
Với tư cách là một trong những lực lượng hải quân đáng sợ nhất khu vực Châu Á, lớn hơn hải quân của tất cả các nước ASEAN, cuộc chạy đua vũ trang mới của Ấn Độ với Trung Quốc đã trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ngày một nghiêm trọng.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét