Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xuất hiện những ý kiến cho rằng ở Việt Nam do thực hiện chế độ một đảng lãnh đạo cho nên xã hội không có dân chủ. Do đó, họ đề nghị cần phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992, thực hiện cơ chế đa nguyên, đa đảng để đảm bảo dân chủ thực sự. Vậy thực chất của vấn đề này là gì? Đa nguyên, đa đảng có đồng nghĩa với vấn đề dân chủ không?
Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực. Nói cách khác, dân chủ là tổ chức và thiết chế của bộ máy nhà nước để trao quyền lực về tay nhân dân. Như vậy, hiểu một cách chung nhất và đơn giản nhất, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Từ đây, có thể rút ra 3 điều căn bản liên quan hữu cơ với nhau, đó là: Một là, dân chủ là độc lập dân tộc và quyền tự quyết dân tộc; hai là, chế độ chính trị của một giai cấp nhất định và ba là, dân chủ là cơ chế thực hiện quyền làm chủ cho ai, cho giai cấp nào?
Đa nguyên chính trị là một khuynh hướng xã hội học - triết học, xuất phát từ học thuyết tuyệt đối hóa tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm, các đảng phái và các tổ chức chính trị xã hội khác nhau trong xã hội. Hệ thống đa đảng là hệ thống mà ở đó có nhiều đảng chính trị có khả năng giành quyền điều hành chính phủ một cách độc lập hay liên minh với nhau.
Như vậy, giữa vấn đề dân chủ với vấn đề đa nguyên, đa đảng có mối quan hệ nhưng không đồng nhất với nhau. Bởi lẽ, chúng ta thấy, trong bất cứ một chế độ xã hội nào, cho dù là một đảng lãnh đạo hay nhiều đảng, khi thiết chế xã hội đó đảm bảo quyền lực thực sự quyền lực thuộc về nhân dân thì xã hội đó sẽ đảm bảo được dân chủ thực sự. Còn nhiều đảng nhưng không đảm bảo được quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì dân chủ thực chất cũng chỉ là sự hô hào giả hiệu mà thôi.
Về vấn đề này, chúng ta hãy xem chính người Mĩ, một đất nước thực hiện chế độ đa đảng và luôn hô hào về đa đảng, về dân chủ ở các quốc gia khác xem thực chất của nên dân chủ, của chế độ đa đảng ở nước họ như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy xem người Mĩ tự nhận xét về mình “Nước Mĩ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ” (Paul Mishler - Giáo sư trường Đại học bang Indiana). Điều đó cho thấy chế độ đa đảng của nước Mĩ thực chất chỉ là một đảng, là sự cầm quyền của đảng tư sản; dân chủ ở nước Mĩ là dân chủ tư sản, không phải dân chủ của đa số, không thực hiện quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và cuối cùng, thực chất đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản.
Từ những vấn đề trên có thể khẳng định, bất cứ một nền dân chủ nào, cũng đều nhằm đảm bảo sự thống trị của giai cấp thống trị, cầm quyền. Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô vẽ như thế nào chăng nữa, thì nền dân chủ đó vẫn là nên dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động.
Đây là minh chứng rõ nét nhất để bác bỏ, đập tan luận điệu của những người thiếu thiện chí cho rằng ở Việt Nam muốn có dân chủ thực sự thì phải thực hiện cơ chế đa nguyên, đa đảng.
Người con đất Việt
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét