Cumoi@
Hiện nay vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo đang nóng lên ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Có thể kể đến các tranh chấp giữa Trung Quốc-Nhật Bản, Trung Quốc-Hàn QUốc, Nhật Bản-Hàn Quốc, Trung Quốc-Philippin… Việt Nam cũng đang phải từng ngày, từng giờ đối mặt với sự tranh chấp từ Trung Quốc và một số nước khác. Bảo vệ chủ quyền biển , đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Để giúp mọi người có thêm quyết tâm bảo vệ chủ quyền, trong bài viết này Cumoi@ xin khái quát đôi nét về vị trsi, vai trò của biển, đảo Việt Nam.
Với diện tích và số lượng lớn, biển, đảo Việt Nam có vị trí, vai trò hết sức quan trọng về nhiều mặt đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặc biệt là về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… Cụ thể là:
- Về giao thông:
Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực, lượng tàu thuyền các nước qua lại rất nhộn nhịp. Do đó, Biển Đông có vai trò rất quan trọng trong tuyến hàng hải quốc tế. Cùng với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh, đường biển từ lâu đã trở thành con đường vận tải quan trọng của Việt Nam trong việc giao thương hàng hóa trong nước và trên thế giới. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông. Dọc bờ biển nước ta có khoảng 100 địa điểm có thể xây dựng được các cảng biển. Thêm vào đó với hệ thống sông ngòi dày đặc như hệ thống sông vùng duyên hải Quảng Ninh, hệ thống sông Hồng, sông Đồng Nai, hệ thống sông Cửu Long..., các tuyến đường sông, đường bộ, đường sắt dọc ven biển nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) được xây dựng trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương nội địa Việt Nam mà còn giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực.
- Về dầu khí:
Là nguồn tài nguyên lớn nhất ở TLĐ nước ta có tầm chiến lược quan trọng. Tại vùng biển và TLĐ Việt Nam đến nay đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng ước tính khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi với khoảng 20 vị trí có tích tụ dầu khí trong đó trữ lượng khai thác khoảng 4 - 5 tỷ tấn, đặc biệt khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Các bồn trũng đang được khai thác hiện nay gồm có bồn trũng Cửu Long, Nam Cô Sơn, Sông Hồng, Malay-Thổ Châu… Bên cạnh nguồn dầu khí, biển Việt Nam còn có nhiều loại khoáng vật, phi quặng (sa khoáng), photphorit và các biểu hiện của than bùn, glauconit, pyrit, thạch cao, kết hạch sắt, mangan, cát vôi san hô và cát sạn sỏi là vật liệu xây dựng, cát thủy tinh…
- Về thủy hải sản:
Biển nước ta có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Trữ lượng hải sản biển Việt Nam dao động trong khoảng 3,1 - 4,2 triệu tấn/năm, với khả năng khai thác 1,4 - 1,6 triệu tấn/năm. Trong đó, trữ lượng cá nổi và đáy tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản của Việt Nam khoảng 2 triệu héc-ta với 3 loại hình nước ngọt, nước lợ và vùng nước mặn ven bờ. Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có các loại động vật quý khác như đồi mồi, rắn biển, chim biển, thú biển, hải sâm… Với 48 vũng, vịnh nhỏ và 12 đầm, phá ven bờ, khoảng 1.120 km rạn san hô, 252.500 ha rừng ngập mặn, cùng các thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam... Hệ sinh thái ven biển Việt nam mỗi năm đem lại lợi nhuận ước tính từ 60-80 triệu USD.
Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển... Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2000 loài khác nhau, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế cao; có 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bổ ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển còn có hơn 80 vạn ha bãi triều và các eo vịnh, đầm phà ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng hải sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá song, cá mú, rong câu... tạo điều kiện rất lớn phát triển kinh tế biển.
- Về phát triển cảng biển:
Dọc bờ biển nước ta đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó có một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng Áng, Chân Mây, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải… Hiện nay nước ta có 90 cảng biển và 10 khu chuyển tải hàng hoá, trữ lượng hàng hoá thông qua các cảng biển.
- Về tài nguyên du lịch biển
Biển, đảo Việt Nam đã cho thấy nhiều điều kiện để phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước. Với một đường bờ biển dài và nhiều hòn đảo nhỏ gần bờ, vì thế tạo điều kiện phát triển du lịch biển, hải đảo. Tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch hiện đại như nghỉ ngơi; dưỡng bệnh; tắm biển; du lịch sinh thái; NCKH vùng ven bờ, hải đảo, ngầm dưới nước; bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền…; có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế quanh năm; dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
- Về xã hội
Biển, đảo Việt Nam là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đa số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là các thành phố, thị xã ở Trung Bộ nằm sát ven biển, có đường quốc lộ 1A chạy qua. Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn. Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sữa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối… thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng.
- Về an ninh quốc phòng
Biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 (10/14) cuộc chiến tranh xâm lược kẻ thù đã sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, biển, đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển khoảng 100km, nên rất dễ bị địch tấn công từ hướng biển. Nếu chiến tranh xảy ra thì mọi mục tiêu trên đất liền đều nằm trong tầm hoạt động, bắn phá của vũ khí trang bị công nghệ cao xuất phát từ hướng biển.
Nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng thành những căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của các lực lượng Hải quân Việt Nam thì biển, đảo có vai trò rất quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam, là người Việt yêu nước chúng ta hãy có những hành động khôn ngoan và tỉnh táo để bảo vệ vững chắc chủ quyền.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét