ĐẠI BÀNG XANH
Cách đây 42 năm (11-1-1969), Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - lúc ấy đang trong khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt. Thụy Điển cũng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cựu Thủ tướng Olof Palme từng đích thân xuống đường lấy chữ ký phản đối Mỹ ném bom Việt Nam. Ngày 23-12-1972, ông đọc diễn văn trên đài phát thanh quốc gia, so sánh hành động ném bom Hà Nội của Mỹ với những cuộc tàn sát nổi tiếng trong lịch sử. Việc này làm chính quyền Mỹ giận dữ và đóng băng quan hệ ngoại giao với Thụy Điển trong suốt một năm.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Staffan Herrström, nói: “Sự ủng hộ của Thụy Điển đối với Việt Nam trong chiến tranh thực chất là ủng hộ quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Phải chấm dứt chiến tranh, Mỹ rút quân về nước để nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định tương lai của mình. Và thông điệp ấy còn đến từ nhiều quốc gia khác nữa. Tất nhiên, Thụy Điển là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất!”. Ông lý giải: “Vì chúng tôi có truyền thống độc lập tự chủ trong hòa bình, vì chúng tôi hiểu được giá trị của độc lập tự do, vì chúng tôi đã luôn đấu tranh cho quyền lợi của các dân tộc nhỏ trước những đế quốc, vì các chính trị gia xuất sắc như Olof Palme đã tham gia hết lòng. Nhưng căn bản là vì tất cả chúng tôi đều thấy rằng quan điểm ấy là đúng đắn”.
Thụy Điển cũng là nước phương Tây viện trợ cho Việt Nam sớm nhất, liên tục từ đầu những năm 1970. Sau chiến tranh, họ trở thành nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (gần 2,6 tỉ USD tính đến năm 2006). Một loạt công trình đã được Thụy Điển đầu tư xây dựng: BV Nhi Olof Palme (nay là Viện Nhi Trung ương), BV Đa khoa Uông Bí, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy giấy Tân Mai, v.v…
Đại sứ Staffan Herrstrom nhìn nhận về những viện trợ mà Thụy Điển đã dành cho Việt Nam: “Đó là việc làm đúng đắn. Thụy Điển sẽ khó mà có thể có vai trò gì nếu vào những năm khó khăn đó của Việt Nam, Thụy Điển bỏ đi và mãi về sau mới quay trở lại!”
Học giả Hữu Ngọc, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam, nhận xét: “Viện trợ của Thụy Điển không kèm theo điều kiện chính trị, ít khi có kèm theo điều kiện bắt buộc tiêu thụ một ít hàng hóa, hay sử dụng tổ chức phục vụ của Thụy Điển”. Theo ông, một đặc điểm trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển là tinh thần quốc tế, bảo vệ quyền tự quyết của quốc gia, không bị các cường quốc chi phối.
Hiện nay, mặc dù đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã đóng cửa do vấn đề ngân sách quốc gia của Thụy Điển và lịch trình viện trợ ODA cho Việt Nam của chính phủ Thụy Điển cũng đang bước tới những ngày cuối cùng nhưng Việt Nam vẫn luôn nhớ tới Thụy Điển là người bạn chân thành, mạnh mẽ, chính nghĩa và cương trực. Và trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, nơi Việt Nam và Thụy Điển là những người đối tác thân thiện, chúng ta sẽ luôn duy trì và phát huy truyền thống về một mối quan hệ đã tốt đẹp từ những ngày đầu trang sử mới của đất nước non trẻ Việt Nam và mãi nở hoa cho những thế hệ sau.
http://tiengnoicuadan2012.blogspot.com/
Trên thực tế, kế hoạch giảm dần và ngừng viện trợ ODA của Thụy Ðiển cho Việt Nam được công bố từ năm 2007 - năm Chính phủ Thụy Ðiển thông qua chính sách viện trợ phát triển mới, giảm từ 77 nước nhận viện trợ còn 33 nước và sẽ tập trung vào các nước nghèo ở châu Phi, châu Á và một số nước Ðông Âu. Với Việt Nam, kế hoạch sẽ kết thúc tháng 12-2013, lý do để Thụy Ðiển triển khai kế hoạch này là Việt Nam đang có nền kinh tế phát triển năng động, đời sống nhân dân dần dần được nâng cao, nên viện trợ ODA của Thụy Ðiển cho Việt Nam sẽ chuyển từ các dự án xóa đói giảm nghèo sang một số dự án quy mô nhỏ về quản lý, đào tạo, môi trường. Tương tự như vậy, cuối năm 2010 Bộ Ngoại giao Thụy Ðiển thông báo năm 2011 sẽ đóng cửa Ðại sứ quán của Thụy Ðiển tại Malaysia, Argentina, Việt Nam, Bỉ, Angola. Ngài Carl Bildt - Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Ðiển, cho biết: "Quyết định khó khăn này là kết quả từ quyết định mới đây của quốc hội cắt giảm khoảng 300 triệu kronor Thụy Sĩ (khoảng 43 triệu USD) ngân sách cấp cho các cơ quan chính phủ". Tuy nhiên, ngày 2.8.2011, Chính phủ Thụy Ðiển đã đạt được thỏa thuận giữ nguyên khoản tiền trị giá 300 triệu krona mà Chính phủ Thụy Ðiển định cắt giảm trong ngân sách năm 2011 nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan ngoại giao của Thụy Ðiển ở nước ngoài. Vì thế Chính phủ Thụy Ðiển đã ngừng việc đóng cửa Ðại sứ quán ở Angola, Việt Nam, Malaysia, Argentina. Ðó là lý do để Ðại sứ quán Thụy Ðiển tại Việt Nam vẫn hoạt động bình thường. Cần khẳng định, cái gọi là "tuyên bố" của nhóm người tiếm danh "blogger Việt Nam" hoàn toàn không liên quan tới các quyết định Chính phủ Thụy Ðiển triển khai từ những năm trước. Sự nhập nhằng khi gắn "tuyên bố" với các kế hoạch của Chính phủ Thụy Ðiển về bản chất là bịa đặt để lừa bịp dư luận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Chính phủ và nhân dân Thụy Ðiển - nước "có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất... nhiệt tình ủng hộ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những ngày đầu và tích cực giúp đỡ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như IMF, WB..."
Trả lờiXóa