Tiếp nối dòng chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong bài viết này Cumoi@ muốn giới thiệu với các bạn những nét sơ lược nhất về lịch sử tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam chúng ta và Trung Quốc. Đây là những thông tin, sự kiện do Cumoi@ thu thập được theo kênh cá nhân và ngôn từ trong bài viết là theo cảm quan riêng của Cumoi@, mọi người có thể theo dõi và khai thác thế nào là tùy quan điểm riêng nhé.
Sự kiện mở đầu tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đó là năm 1909 vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ và sợ Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã lập ra Ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành khảo sát Hoàng Sa. Tuy nhiên, đó chỉ là cuộc đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm và một số đảo thuộc cụm đảo phía đông sau đó rút lui. Thực tế quyền kiểm soát trên quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn này đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Pháp – với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như đã từng có từ trước đây của các triều đại phong kiến Việt Nam. Quân đội Pháp đã cho xây dựng các cơ sở hạ tầng vững chắc, kiên cố cho phòng thủ cùng với các đài quan trắc thời tiết. Trong năm 1938, Pháp đã tiến hành dựng bia chủ quyền ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, trên cột mốc có ghi dòng chữ “Cộng hòa Pháp, đế quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa – 1816, đảo Hoàng Sa – 1838”. Pháp cho xây một cột hải đăng, lập trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa. Trong suốt các năm 1931 – 1932 Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp tiếp tục quản lý các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1946 quân đội Trung Hoa dân quốc đã chiếm đóng các đảo thuộc nhóm phía đông quần đảo Hoàng Sa, song sau đó phải rút lui do lúc đó chính quyền Trung Hoa dân quốc đang gặp khó khăn trong cuộc nội chiến với quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Đến năm 1956 thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, nhân cơ hội này chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã đưa quân tái chiếm nhóm đảo phía đông Hoàng Sa. Tháng 4 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, đến năm 1956, trên quần đảo Hoàng Sa đã hình thành hai lực lượng đồn trú, quản lý hai nhóm đảo, tình hình tranh chấp diễn ra hết sức căng thẳng.
Giai đoạn những năm 70 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước Việt Nam có những diễn biến phức tạp, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đang có những chuyển biến quan trọng. Lợi dụng tình hình phức tạp của Việt Nam cũng như sự “hậu thuẫn” của Mỹ, tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do quân đội chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý. Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra bản tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với các quần đảo thuộc chính quyền Việt Nam.
Sau khi đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động nhằm xây dựng, củng cố hệ thống phòng thủ biến Hoàng Sa thành căn cứ quan trọng làm cơ sở cho các hoạt động bành trướng khác. Để tạo cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã cho tiến hành khảo sát, tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, bằng việc cử các đoàn khảo cổ tới quần đảo Hoàng Sa, cho khai quật các ngôi mộ, đền miếu và cho ra các chứng cứ như: bản đồ, các sách cổ... Tuy nhiên, các chứng cứ đã phản ánh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế, để khẳng định chủ quyền phi lý của mình trên quần đảo Hoàng Sa, công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ngang nhiên cho khoanh vùng các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thành các lô khác nhau, rồi tiến hành mời thầu cho các quốc gia, công ty nước ngoài vào thăm dò khai thác dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa. Hằng năm, Trung Quốc đều tổ chức các đội thuyền đánh bắt cá đến quần đảo Hoàng Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Trắng trợn hơn, phía Trung Quốc đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm cùng với đó là việc bắt giữ, kiểm soát việc tàu cá nước ngoài, trong đó chú ý tới các tàu cá Việt Nam đánh bắt trong phạm vi chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã đánh đập các ngư dân và đòi Việt Nam phải trả tiền chuộc. Những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong lĩnh vực văn hóa, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã công khai việc tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa vào tháng 3 năm 2012. Ngoài ra Trung Quốc đã tiến hành quy hoạch 5 năm lần thứ 12, theo đó Trung Quốc sẽ xây dựng trung tâm khảo cổ dưới đáy “Nam Hải” và trạm công tác “Tây Sa”. Tháng 2 năm 2012, Cục trưởng Cục Thể thao Trung Quốc ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao; Viện nghiên cứu môi trường và khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” đã thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo ở Hoàng Sa. Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm.
Về các hoạt động quân sự, Trung Quốc sử dụng lực lượng hải quân và các tàu hải giám, ngư chính hoạt động thường xuyên nhằm xác quyết chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Tháng 3 năm 2012, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn cho xây dựng các công sự, đường sân bay trên đảo Phú Lâm cũng như trang bị các loại vũ khí, tên lửa hạng nặng trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Gần đây nhất, ngày 20/3/2013, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét